Một ông chủ tiệm vàng bạc có tiếng là "trùm cuối" trong đường dây cờ bạc "khủng"
Tuấn “chợ Gốc” được nhiều người dân ở Thái Bình biết đến là một doanh nhân thành đạt. Tuấn có một cửa hàng kinh doanh vàng bạc khá lớn tại TP Thái Bình và thường có những hoạt động từ thiện, nhất là đối với quê hương của mình.
Tuấn "chợ Gốc" chình là biệt danh của Bùi Quốc Tuấn (55 tuổi, trú tại khu dân cư Thành Công, tổ 4, phường Quang Trung, TP Thái Bình). Sở dĩ Bùi Quốc Tuấn có biệt danh này là bởi đối tượng sinh ra tại quê nhà ở khu chợ Gốc (xã Bình Thanh, huyện Kiến Xương).

Tuấn "chợ Gốc" thời điểm bị bắt giữ (Ảnh: Sức khoẻ & Đời sống).
Đối với những người xung quanh, Tuấn tỏ ra rất hòa đồng, không phải kiểu người cậy có tiền. Thi thoảng, Tuấn cũng la cà quán trà đá, tào lao với người dân xung quanh và được mọi người đặt thêm cho biệt danh là Tuấn “2 nghìn”, bởi trong túi Tuấn chẳng bao giờ có nhiều tiền, ngoài mấy tờ tiền mệnh giá 2 nghìn đồng để trả tiền trà đá.
Nhưng ít ai biết rằng, ẩn sâu trong vẻ bề ngoài bình dân ấy lại là một “trùm cuối” của đường dây cờ bạc khét tiếng. Lợi nhuận của ông trùm này thu được ở mức vô cùng khủng: 3 tỷ đồng/ngày. Chỉ tính riêng năm 2024, số tiền đánh bạc của đường dây là 2.500 tỷ đồng, thông tin này được đăng tải trên báo Công an nhân dân.
Khác với "vỏ bọc" bên ngoài, đi mua bất động sản, Tuấn lại là một "đại gia" thực thụ. Theo miêu tả trên tờ An ninh thủ đô, những ngôi nhà, mảnh đất có giá trị từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng được Tuấn ưng sẽ được chốt giá mà không cần đắn đo, cân lên đặt xuống mặc cả đồng nào.
Tuấn sở hữu khoảng 15 căn nhà có giá trị cao ở TP Hà Nội và tỉnh Thái Bình. Ngoài ra, "ông trùm" cũng sở hữu rất nhiều "xế hộp".
Tuấn "chợ Gốc" sẵn sàng nhận các ca đánh lớn, kể cả vô cùng lớn
Báo Tuổi trẻ dẫn lại thông tin từ cơ quan công an cho biết, Tuấn "chợ Gốc" trực tiếp thành lập hệ thống chân rết, thân cận gồm rất nhiều cấp, những người ở cấp dưới chỉ biết cấp trên trực tiếp. Chỉ những người giúp sức đắc lực, thân tín mới biết vai trò của Tuấn trong đường dây.
Quá trình hoạt động, các đối tượng trong các đường dây (riêng ở tỉnh Thái Bình có 3 đường dây lớn) sử dụng phương tiện, thiết bị điện tử viễn thông để hoạt động phạm tội; thực hiện việc giao dịch, liên lạc với nhau qua các trang mạng xã hội như Zalo, Telegram, tin nhắn SMS; thành lập các nhóm kín, thu hồi tin nhắn, giải tán nhóm kín, tự động xóa dấu vết ngay trong ngày.
Cũng theo cơ quan công an, các "con bạc" thanh toán tiền đánh bạc chủ yếu thông qua chuyển khoản ngân hàng bằng nhiều tài khoản khác nhau và thường xuyên thay đổi số tài khoản, có thể chuyển giao trực tiếp bằng tiền mặt.
Tuấn không sử dụng tài khoản giao dịch ngân hàng để phạm tội, mà chỉ sử dụng tài khoản của cấp dưới, tài khoản ảo, rác... do Tuấn thống nhất đăng ký để giao dịch, thanh toán tiền thắng, thua.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khám xét nơi ở của ông trùm đường dây lô đề nghìn tỷ Tuấn "chợ Gốc" (Ảnh: Người lao động).
Ngoài ra, cũng theo thông tin trên báo Công an nhân dân, một trong những đặc điểm khiến đường dây cờ bạc của Tuấn "chợ Gốc" tồn tại được lâu dài và thu hút được rất nhiều con bạc tham gia, đó là Tuấn sẵn sàng nhận các ca đánh lớn, kể cả vô cùng lớn, bởi nếu người chơi thắng, số tiền nhà cái phải chi trả đến trăm tỷ đồng cũng thanh toán sòng phẳng.
Hơn nữa, nếu xảy ra trường hợp nhánh dưới chẳng may chơi lẻ, giữ lại phần đánh nào đó của người chơi và khi có kết quả, phải đền lượng tiền lớn thì khi biết chuyện, Tuấn vẫn ra tay “cứu”, sẵn sàng chi tiền cho nhánh dưới trả cho con bạc, để lấy uy tín của đường dây và lấy độ trung thành của cấp dưới.
Sau quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, ngày 21/3, Ban chuyên án chỉ đạo hơn 300 cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Thái Bình đã chia làm nhiều mũi, đồng loạt tấn công vào các tụ điểm, bắt và khám xét nơi ở, khiến các đối tượng không kịp tẩu thoát, thu hồi được số lượng tiền, vàng, tài sản, 20 bất động sản… trị giá hơn 700 tỷ đồng.