Cả tuần Vn-Index chỉ nhích nhẹ như "cho trẻ ăn dặm"

Vn-Index tuần qua có một phiên giảm, bốn phiên tăng yếu.

Trong tuần từ ngày 14-18/3, Vn-Index chứng kiến chuỗi phiên giao dịch "khó hiểu". Chỉ số này có một phiên giảm mạnh 20,29 điểm (tương đương 1,38%) vào thứ Hai 14/3. Kết phiên đầu tuần, Vn-Index còn 1,446.25 điểm.

Phiên đầu tuần chứng kiến nhóm dầu khí sau những phiên bứt phá tuần trước thì bị chốt lời mạnh, không mã dầu khí nào ở chiều tăng giá. PVT, PVC còn giảm xuống giá sàn. Cổ phiếu thép, than và phân bón cũng giảm mạnh. Phần lớn các cổ phiếu nhóm chứng khoán, bất động sản, xây dựng cũng giảm giá.

Nhóm vốn hóa lớn giảm cũng tác động tiêu cực gồm BVH, GAS, FPT, MSN, VIC, VNM, MWG... Khối ngoại bán ròng 270 tỷ đồng trên toàn thị trường, các mã bị bán mạnh nhất gồm có MSN, HPG, GMD, NVL, SSI…

Các phiên tiếp theo, chỉ số đại diện biến động cực nhỏ, chỉ khoảng hơn 0,1-0,5% giá trị. Cụ thể, 15/3,Vn-Index tăng 6,49 điểm (tương đương 0,45 % giá trị). Ngày 16/3, tăng 6,59 điểm (0,45 %). Cá biệt ngày 17/3, "em bé" Vn-Index như được ăn dặm liều thấp, tăng 2,01 điểm (0,14%).

Kết phiên cuối tuần, ngày 18/3, chỉ số này đạt 1.469,10, có thêm 7,76 điểm giá trị (0,53%).

Khối lượng giao dịch khớp lệnh trong các phiên của tuần rồi dao động từ hơn 525 triệu cổ phiếu đến gần 785 triệu cổ phiếu. Thấp nhất là ngày 16/3, chỉ có hơn 525 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Khối lượng giao dịch khớp lệnh không có nhiều biến động so với các phiên từ đầu tháng.

Chỉ có phiên 8 và 9/3, khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt gần 950 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Còn lại dao động quanh vùng 700-800 triệu.

"Vùng kháng cự 1.470 điểm tiếp tục sẽ là thách thức cho chỉ số Vn-Index trong các phiên tới. Trong trường hợp rủi ro bên ngoài gia tăng, khả năng chỉ số Vn-Index xuyên thủng trở lại vùng hỗ trợ 1.450 - 1.445 điểm vẫn còn. Khi đó, sẽ tạo đáy ngắn hạn quanh vùng hỗ trợ mạnh tiếp theo nằm tại vùng 1.425 - 1.400 điểm", SSI từng nhận định như vậy về phiên giao dịch cuối tuần rồi.

Nhận định

Diễn biến tăng chậm của Vn-Index có thể kéo lan sang cả tuần sau. Nhiều nhà đầu tư các mã ngắn hạn đang chờ tín hiệu khả quan của thị trường để sẵn sàng bán ra chốt lời. Họ đã chờ đợi sự tăng điểm quá lâu.

Chính vì vậy, thị trường vẫn sẽ có những pha giằng co về chỉ số, sắc xanh đỏ trên bảng điểm. Lực lượng nào chiếm ưu thế chính là người quyết định thị trường tuần sau ra sao.

Chưa kể tâm lý dễ xao động trước các thông tin của nhà đầu tư trong nước với các thông tin quốc tế được một số người đồn đại sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam cũng tác động đến quyết định đầu tư. Chẳng hạn, khi chính quyền thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) quyết định phong tỏa do ca nhiễm tăng, nhiều hội nhóm đã xôn xao cực độ trước thông tin này vì lo ngại ảnh hưởng ngay lập tức đến kinh tế thế giới, kéo dây chuyền ảnh hưởng kinh tế Việt Nam.

Tâm lý của nhà đầu tư đã không còn xa lạ. Chính vì vậy, các nhà đầu tư mới chập chững tham gia thị trường cần bình tĩnh, xem xét thấu đáo trước khi thực hiện các lệnh mua hoặc bán.

Khả năng lao dốc và giảm điểm mạnh của Vn-Index là luôn hiển hiện. Tuần qua, chỉ số chỉ tăng chút ít phần trăm minh họa cụ thể cho lo ngại đó. Chỉ cần một cái sẩy thì Vn-Index có thể trượt chân không gỡ gạc.

Nếu vượt qua được tuần mới, Vn-Index sẽ có nhiều khả năng kiếm thêm điểm mạnh mẽ hơn.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

https://soha.vn/ca-tuan-vn-index-chi-nhich-nhe-nhu-cho-tre-an-dam-20220318150805025.htm