Chủ tịch UBND TP HCM: Nối dài đường sắt đô thị tới Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh là cần thiết

Sau khi sáp nhập TP HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thì nhu cầu phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tăng lên.

Sáng 22-5, Ban Chỉ đạo Phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP HCM (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ nhất.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì phiên họp.

Chủ tịch UBND TP HCM: Nối dài đường sắt đô thị tới Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh là cần thiết- Ảnh 1.

Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP HCM

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP HCM, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nguyễn Văn Được cho biết sau khi sáp nhập TP HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thì nhu cầu và dư địa về phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị của TP HCM tăng lên so với trước đây. 

Do đó, cần quy hoạch lại hệ thống đường sắt, bổ sung, nối dài các tuyến đi về Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và kể cả Tây Ninh. 

Theo ông Nguyễn Văn Được, việc này còn giúp TP HCM dễ dàng trong kêu gọi đầu tư, triển khai theo hình thức TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng).

Chủ tịch UBND TP HCM: Nối dài đường sắt đô thị tới Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh là cần thiết- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch UBND TP HCM cho biết về mô hình quản lý, trước mắt Ban Quản lý đường sắt đô thị (thuộc UBND TP HCM) rất cần thiết, phù hợp. Tuy nhiên, về lâu về dài thì Ban Quản lý đường sắt đô thị và Sở Xây dựng cần tham mưu cho TP HCM nâng cấp mô hình Ban Quản lý này.

Ông Nguyễn Văn Được đặt vấn đề TP HCM lập mô hình Công ty vận hành hệ thống Metro bởi mô hình này sẽ phù hợp hơn. Các nước trên thế giới cũng thực hiện mô hình Công ty. "Để đảm bảo cho công tác quản lý về lâu dài sau này thì rất cần thiết tiến tới xây dựng mô hình Công ty về quản lý đường sắt đô thị" - ông Nguyễn Văn Được phát biểu.

Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng nếu làm Metro mà chỉ sử dụng ngân sách của nhà nước thì không đáp ứng được yêu cầu cũng cũng không hiệu quả. "Không có một quốc gia nào trên thế giới dùng toàn bộ ngân sách nhà nước để đầu tư cho hệ thống đường sắt" - ông Nguyễn Văn Được nói. 

Do đó, về phương án tài chính, ông Nguyễn Văn Được đề xuất với Ban Chỉ đạo vừa quy hoạch vừa kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, kể cả kết hợp ODA. "Nếu có ODA chúng ta phải tính toán lại, khắc phục được những hậu quả, những bất lợi mà như trước đây chúng ta đã làm" - ông Nguyễn Văn Được lưu ý.