Chuyện gì đây: Một startup AI từng được định giá 1,5 tỷ USD bị tố lừa đảo, trên bờ vực phá sản

'Kỳ lân' này từng được định giá 1,5 tỷ USD và nhận được sự hậu thuẫn của Microsoft.

Chuyện gì đây: Một startup AI từng được định giá 1,5 tỷ USD bị tố lừa đảo, trên bờ vực phá sản- Ảnh 1.

Theo Financial Times, Builder.ai vừa nộp đơn xin phá sản do cạn kiệt tài chính. Kỳ lân từng tự xưng có thể “tạo ra ứng dụng bằng AI” thực tế lại dựa hoàn toàn vào người viết code. Nhiều công đoạn lập trình và tối ưu vẫn được thực hiện thủ công bởi các nhóm kỹ sư bên ngoài – đi ngược lại với hình ảnh tự động hóa hoàn toàn mà hãng từng tuyên bố với các nhà đầu tư và truyền thông. Bê bối bị dư luận châm biếm là công ty chỉ có “nhân tạo”, không có “trí tuệ”.

Builder.ai, thành lập với slogan cho phép mọi người phát triển ứng dụng bằng AI, thời gian đầu đã thu hút được sự quan tâm lớn từ Microsoft, Quỹ đầu qua quốc gia Qatar và nhiều tổ chức đầu tư mạo hiểm. Tổng số tiền huy động được vượt quá 500 triệu USD.

Tuy nhiên, Wall Street Journal từ 2019 đã phanh phui ra một sự thật, rằng phần lớn mã nguồn đều được các kỹ sư viết tay chứ không phải do AI tạo. Doanh nghiệp sau đó cũng dần lụi tàn vì khó khăn tài chính.

Đáng chú ý, một số hợp đồng với khách hàng bị chậm tiến độ hoặc không đáp ứng chất lượng mong đợi. Điều này khiến một số đối tác quay lưng, đặt nghi vấn liệu các mô-đun AI của Builder.ai thực sự có khả năng tạo hiệu suất “nhanh hơn 6 lần” như lời quảng cáo. Một báo cáo điều tra độc lập còn cho thấy startup này từng phóng đại số lượng khách hàng và khả năng tích hợp AI trong các vòng gọi vốn – bao gồm cả vòng Series D trị giá hơn 250 triệu USD do QIA (Quỹ đầu tư quốc gia Qatar) và Insight Partners dẫn đầu.

Bê bối càng trở nên nghiêm trọng khi một số cựu nhân viên tố cáo ban điều hành đã gây áp lực để làm đẹp số liệu trước những buổi demo sản phẩm lớn. Điều này không chỉ đẩy các nhân sự kỹ thuật vào tình trạng kiệt sức mà còn thổi phồng kỳ vọng của nhà đầu tư – tạo nên vòng luẩn quẩn giữa marketing và thực tiễn.

Tháng 2, nhà sáng lập Builder.ai Sachin Dev Duggal tuyên bố từ chức, đồng thời chuyển giao công việc cho CEO mới Manpreet Ratia. Ngỡ rằng lãnh đạo mới có thể làm nên kỳ tích, song chỉ chưa đầy 3 tháng sau, Builder.ai phải đứng trước bờ vực phá sản.

CEO Ratia khẳng định Builder.ai không thể phục hồi do các quyết định sai lầm trong quá khứ. Kỳ lân này nợ hàng chục triệu USD quá hạn, vậy nên tài sản đều bị phong toả.

Chuyện gì đây: Một startup AI từng được định giá 1,5 tỷ USD bị tố lừa đảo, trên bờ vực phá sản- Ảnh 2.

Sachin Dev Duggal, nhà sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành.

Builder.ai từng được coi là cái tên đi tiên phong đổi mới cho phát triển phần mềm AI tạo sinh. Bê bối một lần nữa khiến ngành công nghiệp phải suy ngẫm về giá trị ứng dụng thực tế của AI.

“Dành nhiều thời gian như vậy để dạy một mô hình ngôn ngữ lớn cách viết chương trình thật vô lý”, một người để lại bình luận trên trang dự án .NET của GitHub.

Từng được định giá 1,5 tỷ USD và nhận vốn đầu tư từ Microsoft, Builder.ai nay đối mặt cáo buộc khai khống doanh thu và dùng người thật thay cho công nghệ trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh thị trường AI toàn cầu đang tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro bong bóng, vụ việc đặt ra một câu hỏi lớn về sự cẩn trọng trong đầu tư và trách nhiệm truyền thông của các startup công nghệ. Nó cũng phản ánh áp lực ngày càng lớn mà các kỳ lân phải đối mặt khi vừa phải duy trì tốc độ tăng trưởng thần tốc, vừa phải chứng minh năng lực thực tế trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và niềm tin của nhà đầu tư ngày càng mong manh.

Sự xuất hiện của các công cụ như ChatGPT, Midjourney hay Gemini đã đẩy AI từ phòng thí nghiệm ra thị trường tiêu dùng đại chúng, tạo nên làn sóng khởi nghiệp sôi động chưa từng có. Tuy nhiên, đằng sau bức màn lại là những rủi ro ngày càng rõ ràng về một “bong bóng AI” – nơi kỳ vọng tài chính và truyền thông vượt xa khả năng thực thi và giá trị thực tế của nhiều startup.

“Tôi nghĩ đây là một chu kỳ cường điệu kinh điển. AI là có thật và sẽ thay đổi thế giới, nhưng nhiều định giá và hứa hẹn hiện nay không dựa trên thực tế”, Sam Altman, CEO OpenAI, nhận định.

Một trong những nguyên nhân chính là xu hướng định giá quá cao. Nhiều công ty AI non trẻ – thậm chí chưa có sản phẩm thương mại hoàn chỉnh – đã nhanh chóng được định giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD chỉ sau vài vòng gọi vốn. Điều này khiến thị trường AI ngày càng giống với bong bóng dotcom cuối thập niên 1990 – khi các công ty Internet được định giá dựa trên hứa hẹn chứ không phải hiệu quả kinh doanh thực tế.

“Chúng ta mới chỉ ở những hiệp đầu của AI, và dù đang có những đổi mới thật sự, ta cũng phải cẩn trọng khi đầu cơ vượt qua khả năng thực thi”, Satya Nadella – CEO của Microsoft, lo ngại.

Theo: Financial Times, WSJ