Cụ thể, giá vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu hiện được niêm yết ở mức 113,8 – 116,8 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 300.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Tại Công ty SJC, giá mua vào vàng nhẫn tăng 300.000 đồng/lượng, trong khi giá bán ra giữ nguyên, hiện giao dịch quanh mức 111,3 – 114 triệu đồng/lượng.
DOJI điều chỉnh tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, giữ nguyên giá bán ra, đang niêm yết ở mức 107,5 – 111,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, PNJ không thay đổi giá, duy trì ở mức 111,3 – 114,3 triệu đồng/lượng.
Đối với vàng miếng, giá tại các doanh nghiệp này đồng loạt tăng thêm 700.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng, hiện giao dịch trong khoảng 116,2 – 118,7 triệu đồng/lượng.
--
Sáng nay (28/5), Công ty VBĐQ Mi Hồng điều chỉnh giảm giá vàng nhẫn thêm 500.000 đồng/lượng, xuống còn 112 – 114 triệu đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch hôm qua. Giá vàng miếng tại doanh nghiệp này đang giao dịch ở mức 116,3 – 118,3 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng, giá vàng nhẫn, vàng SJC giữ nguyên so với chốt phiên giao dịch hôm qua. Cụ thể, tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 113,5 – 116,5 triệu đồng/lượng; PNJ là 111,3 – 114,3 triệu đồng/lượng; Công ty SJC giao dịch trong khoảng 111 – 114 triệu đồng/lượng; còn tại DOJI là 107,3 – 111,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng tại các doanh nghiệp này hiện phổ biến quanh mức 115,5 – 118 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tăng nhẹ 6 USD, lên mức 3.307 USD/ounce so với phiên giao dịch liền trước. Trong phiên giao dịch hôm qua, giá vàng thế giới đã có thời điểm giảm gần 50 USD /ounce lùi về mốc 3.294 USD /ounce, tương đương mức giảm 1,4%.
Theo Kitco News, trong báo cáo công bố hôm Chủ nhật, CitiGroup đã nâng dự báo giá vàng trong ngắn hạn, kỳ vọng giá sẽ dao động trong khoảng 3.100 – 3.500 USD/ounce trong vòng ba tháng tới, tăng so với mức dự báo trước đó ngày 12/5 là 3.000 - 3.300 USD/ounce.
Động thái nâng dự báo được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump dự kiến áp thuế 50% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu ngay từ ngày 1/6. Sau đó, ông Trump đã rút lại lời đe dọa và tuyên bố Liên minh châu Âu có thời hạn đến tháng 7 để đạt được một thỏa thuận thương mại.
Dù lo ngại về nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại đã dịu lại, các nhà phân tích vẫn lưu ý rằng sự bất ổn kéo dài của nền kinh tế toàn cầu. Họ cũng chỉ ra rằng thế giới hiện đã đi qua hơn nửa thời hạn 90 ngày tạm hoãn áp thuế thương mại diện rộng, nhưng vẫn chưa có thỏa thuận lớn nào được công bố.
Trong ngắn hạn, CitiGroup giữ quan điểm tích cực về vàng và dự báo kim loại quý này sẽ quay trở lại các mức đỉnh lịch sử. Tuy nhiên, về dài hạn, CitiGroup vẫn duy trì cái nhìn thận trọng.
Các nhà phân tích của tổ chức này cho rằng giá vàng có thể gặp khó khăn vào cuối năm 2025 đến năm 2026 khi hoạt động kinh tế phục hồi và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất, một yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán vốn đang gặp khó. Ngoài ra, các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào năm tới được dự đoán sẽ thúc đẩy tâm lý ưa rủi ro, khiến vàng kém hấp dẫn hơn trong vai trò tài sản trú ẩn.
CitiGroup cũng cảnh báo rằng thị trường vàng có thể đang tiệm cận mức bão hòa, bất chấp nhu cầu cơ bản vẫn ở mức cao trong lịch sử. Theo phân tích, khoảng 0,5% GDP toàn cầu hiện đang được chi cho vàng, mức cao nhất trong vòng 50 năm qua.
Dự báo mới nhất của CitiGroup về giá vàng vẫn được xem là khá thận trọng so với các tổ chức tài chính lớn khác. Bank of America, Goldman Sachs, Natixis và VanEck đều đưa ra khả năng giá vàng sẽ đạt 4.000 USD/ounce trong năm nay hoặc đầu năm 2026.
Dù nhu cầu đầu tư đã tăng mạnh trong bốn tháng đầu năm nay, lượng nắm giữ trong các quỹ ETF được bảo chứng bằng vàng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh của năm 2020.