Doanh nghiệp bất động sản "tái xuất" thị trường trái phiếu

Sau khi hoàn toàn vắng bóng trong quý I/2025, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản xuất hiện trở lại trong tháng 4/2025, dù số lượng vẫn còn hạn chế.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, tính đến ngày 30/4/2025, có tổng cộng 21 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trị hơn 34 ngàn tỷ đồng trong tháng 4/2025.

Cụ thể, các đợt phát hành gồm 19 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ , trị giá hơn 30 ngàn tỷ đồng; cùng 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 4 ngàn tỷ đồng.

Động lực tăng trưởng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4/2025 vẫn đến từ nhóm ngân hàng , với nhiều thương vụ phát hành lớn như Techcombank (tổng 4 đợt với 8.700 tỷ đồng), hay VietinBank (3.000 tỷ đồng), MSB (3 đợt với 4.000 tỷ đồng).

Tuy vậy, điểm mới đáng chú ý là nếu như trong quý I đầu năm nay, 100% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đều thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán thì sang tháng 4/2025 đã chứng kiến sự quay lại của doanh nghiệp bất động sản .

Cụ thể, trong tháng 4/2025, có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản với tổng giá trị phát hành 10.000 tỷ đồng. Trong đó có 2 đợt phát hành riêng lẻ của Vingroup với tổng giá trị phát hành 7.000 tỷ đồng và một đợt phát hành của Công ty cổ phần Tư vấn và kinh doanh bất động sản TCO với tổng giá trị phát hành 3.000 tỷ đồng. Trái phiếu riêng lẻ do Vingroup phát hành đang có lãi suất hấp dẫn nhất thị trường (12%/năm).

Doanh nghiệp bất động sản "tái xuất" thị trường trái phiếu- Ảnh 1.

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản quay trở lại thị trường.

Ông Nguyễn Tùng Anh - Trưởng phòng Nghiên cứu rủi ro tín dụng và tài chính bền vững (FiinRatings) cho biết, doanh nghiệp bất động sản sẽ có kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều hơn trong năm nay khi môi trường kinh doanh được cải thiện.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, dù khối lượng giao dịch trên thị trường bất động sản đã giảm 30% so với đỉnh, song giá bất động sản tăng vọt đã bù đắp cho sự suy giảm này.

“Thị trường đã đạt đến trạng thái cân bằng mới, trong đó, mức giá bán cao hơn giúp duy trì tính khả thi của các dự án. Nhu cầu và áp lực tái tài trợ, tái cấu trúc vốn tăng cao từ các ngành có mức độ thâm dụng vốn lớn như bất động sản, xây dựng và vật liệu... trong các quý tới”, chuyên gia phân tích FiinRatings dự báo.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế cho rằng, áp lực trái phiếu trong năm 2025 không phải là mối lo lớn. Tình trạng vỡ nợ là khó có thể xảy ra. Ông nhận định rằng thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Các doanh nghiệp nếu có chiến lược tài chính vững mạnh và giảm giá sản phẩm khoảng 10%, có thể dễ dàng thu hồi vốn và bán được sản phẩm, thay vì giảm giá sâu ở mức 40-50% như trước đây.

Nhiều doanh nghiệp lớn, có chiến lược tài chính vững mạnh, cũng đã bắt đầu chuyển hướng để thích ứng với tình hình mới. Các giải pháp tái cấu trúc nợ, giảm giá bán và mở rộng các phân khúc bất động sản phù hợp với nhu cầu của thị trường là những chiến lược họ đang thực hiện để cải thiện thanh khoản và tránh nguy cơ vỡ nợ.

Dù việc phát hành mới nhộn nhịp hơn song áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn rất lớn, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản. Ông Nguyễn Bá Khương -Khối phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, tính đến ngày 15/4/2025, đã có hơn 90 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp.

Ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của hơn 90 doanh nghiệp này là khoảng hơn 200.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 16,5% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.