Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng; Ông Phạm Đại Dương - Phó trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương; Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng - Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam;…
Lãnh đạo Khánh Hoà gồm ông Nghiêm Xuân Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ; Ông Trần Quốc Nam, Phó bí thư Tỉnh uỷ, chủ tịch UBND Tỉnh; và các phó chủ tịch tỉnh.
Tham dự Hội nghị còn có các chuyên gia đầu ngành, đại diện các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, các trường Đại học trong khu vực và các doanh nhân, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu cả nước quan tâm tới đầu tư tại Khánh Hoà.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND Tỉnh Khánh Hoà cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, dù chưa sáp nhập chính thức, hai địa phương đã tích cực triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc hợp nhất.
Kết quả bước đầu cho thấy đà tăng trưởng khả quan: GRDP tăng 7,33%; thương mại, dịch vụ lần lượt tăng 10,2% và 8,7%. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt trên 42.000 tỷ đồng; thu hút 61 dự án với gần 389.000 tỷ đồng vốn đăng ký. Kim ngạch xuất khẩu tăng gần 16%; doanh thu du lịch đạt hơn 34.000 tỷ đồng, tăng hơn 20%; giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 41%. Chương trình xóa nhà tạm hoàn thành sớm, đưa tỉnh vào nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước; y tế, giáo dục, an sinh tiếp tục được quan tâm. Bộ máy hành chính 2 cấp đã được kiện toàn theo mô hình mới; thử nghiệm công cụ đánh giá công vụ bằng KPI cho toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, Tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận: tăng trưởng chưa đủ mạnh để tạo bứt phá; một số lĩnh vực như công nghiệp, đô thị, du lịch chưa phát huy hết tiềm năng; chuyển đổi số còn chậm, cần đột phá mạnh mẽ hơn.
Đặt mục tiêu trở thành cực tăng trưởng của cả nước, đi đầu về đổi mới sáng tạo, là vùng đất hội tụ cơ hội và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp
Ngay sau khi chính thức đi vào hoạt động, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 14/7/2025 về mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số đến năm 2030. Đây là định hướng chiến lược thể hiện quyết tâm chính trị cao của tỉnh, với 6 mục tiêu chủ đạo:
Một là, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương – một cực tăng trưởng của cả nước, nơi người dân sống hiền hòa, hạnh phúc.
Hai là, duy trì tăng trưởng GRDP hằng năm ở mức hai con số.
Ba là, vào nhóm 10 địa phương có thu ngân sách nội địa và thu nhập bình quân đầu người cao nhất.
Bốn là, nằm trong top 10 về PCI, PAR INDEX, SIPAS.
Năm là, dẫn đầu cả nước về đổi mới sáng tạo (PII) và chuyển đổi số (DTI).
Sáu là, kinh tế số đóng góp 35% GRDP.
Bốn mục tiêu cụ thể cũng được đề ra, bao gồm: Phát triển mạnh bốn trụ cột: công nghiệp – năng lượng; du lịch – dịch vụ; đô thị; xây dựng. Đột phá về khoa học – công nghệ và chuyển đổi số. Khơi thông ba điểm nghẽn: hạ tầng chiến lược, nguồn nhân lực, xử lý dự án tồn đọng. Đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Với tinh thần hành động quyết liệt và mục tiêu xuyên suốt là phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, tỉnh Khánh Hòa cam kết xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch – xứng đáng là vùng đất hội tụ cơ hội và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND Tỉnh Khánh Hoà
Tiềm năng, cơ hội phát triển của tỉnh Khánh Hòa
Tỉnh Khánh Hòa (mới) có diện tích trên 8.555 km2, quy mô dân số hơn 2,2 triệu người, với 65 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 01 đặc khu Trường Sa. Khánh Hòa là tỉnh có đường bờ biển dài nhất cả nước với trên 490kmđã tạo ra không gian phát triển mới cùng nhiều tiềm năng, thế mạnh vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi, thời cơ mới đưa tỉnh Khánh Hòa sớm hiện thực hóa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây không chỉ là sự tin tưởng của Trung ương mà còn là sự kỳ vọng của cán bộ, nhân dân trong tỉnh, cũng như sự kỳ vọng của các Nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tỉnh Khánh Hòa mới là sự cộng hưởng giữa hai vùng đất giàu truyền thống và tiềm năng: một bên là trung tâm kinh tế biển, du lịch và dịch vụ; một bên đi đầu về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao và văn hóa đặc thù. Sự kết hợp hài hòa này giúp tỉnh phát triển cân bằng giữa biển và núi, đô thị và nông thôn, công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp.
Lợi thế về vị trí và hạ tầng cũng rất rõ rệt: Cảng nước sâu, sân bay quốc tế, hệ thống cao tốc và đường sắt kết nối vùng – tạo điều kiện để Khánh Hòa trở thành trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa và năng lượng của khu vực. Đặc biệt, việc triển khai dự án điện hạt nhân, thủy điện tích năng và tổ hợp năng lượng LNG sẽ mở ra cơ hội để Khánh Hòa trở thành trung tâm năng lượng điện Quốc gia; giữ vai trò trung tâm năng lượng chiến lược quốc gia trong tương lai gần.
Không gian đô thị ven biển đang hình thành rõ nét, với trục phát triển Nha Trang – Cam Lâm – Cam Ranh – Phan Rang; kết hợp cùng tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đẳng cấp quốc tế và nông nghiệp xanh – sạch ở vùng bán khô hạn phía Nam, đang tạo thế và lực phát triển đa ngành, đa vùng. Bên cạnh đó, tỉnh còn được Trung ương, Quốc hội và dành cho hệ thống cơ chế chính sách đặc thù– nổi bật là Nghị quyết số 55/2022/QH15 và Nghị quyết số 189/2025/QH15 – là cơ sở pháp lý quan trọng để thu hút dòng vốn lớn, phát triển các ngành chiến lược và tạo dựng niềm tin với cộng đồng doanh nghiệp.
Thực tế cũng chứng minh: Sau Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2023, hầu hết các dự án lớn đều được triển khai đúng tiến độ, thể hiện rõ cam kết đồng hành của chính quyền tỉnh. Trong số 107 dự án với tổng vốn trên 543.000 tỷ đồng, nhiều dự án đã trở thành động lực phát triển mới.
Với thế mạnh về vị trí, hạ tầng, cơ chế và sự sẵn sàng từ chính quyền, Khánh Hòa đang bước vào giai đoạn hội tụ đầy đủ các yếu tố "THIÊN THỜI – ĐỊA LỢI – NHÂN HÒA" để bứt phá vươn lên – trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực miền Trung và là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thiết kế loạt cơ chế, chính sách đặc thù cho nhà đầu tư vào Khánh Hoà
Chủ tịch Khánh Hoà cho biết, một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Khánh Hòa – bên cạnh vị trí chiến lược, tài nguyên phong phú và hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ – chính là hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù với nhiều ưu thế. Đây thật sự là lợi thế so sánh hiện tỉnh đang từng bước hiện thực hóa để Khánh Hòa trở thành địa phương có môi trường đầu tư thực chất, thuận lợi, ưu đãi hiệu quả hơn.
Trên bình diện quốc gia, các nghị quyết như Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 201/2025/QH15 về chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, Nghị quyết số 171/2024/QH15 về thí điểm nhà ở thương mại… là những "cao tốc thể chế" giúp thị trường phát triển nhanh nhưng ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp an tâm đầu tư lâu dài.
Riêng đối với tỉnh Khánh Hòa, sau sáp nhập, đang đồng thời được áp dụng 02 nghị quyết đặc thù, tạo cơ hội thu hút đầu tư gồm:
- Nghị quyết số 55/2022/QH15, cho phép tỉnh mở rộng quyền tự chủ trong đầu tư, tài chính, đất đai, tổ chức bộ máy…, giúp rút ngắn quy trình và nâng cao tính linh hoạt trong xử lý hồ sơ đầu tư.
- Nghị quyết số 189/2025/QH15, tạo không gian pháp lý riêng cho vùng triển khai điện hạt nhân trước đây, nay thuộc tỉnh Khánh Hòa – nơi đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển logistics, năng lượng và các ngành công nghiệp quy mô lớn.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã thiết kế một số mô hình ưu đãi đầu tư cụ thể, minh họa bằng ba nhóm điển hình:
Thứ nhất–Ưu đãi tại Khu kinh tế Vân Phong. Đây là khu vực trọng điểm quốc gia, nơi tỉnh đang nghiên cứu mô hình "Khu thương mại tự do Khánh Hòa". Các nhà đầu tư chiến lược vào đây sẽ được:
- Ưu tiên thực hiện thủ tục khảo sát, đo đạc từ sớm, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư.
- Được bố trí hạ tầng kết nối thuận lợi đường bộ – đường sắt – cảng biển nước sâu.
- Được hưởng chính sách một cửa trong xử lý thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan, xuất nhập khẩu.
Thứ hai–Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp biển và công nghệ cao
Với đường bờ biển dài 490km, Khánh Hòa có lợi thế lớn về cảng biển, nuôi biển công nghệ cao và dịch vụ logistics. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ được:
- Được miễn, giảm tiền thuê mặt biển theo mức ưu đãi cao nhất.
- Được tiếp cận mặt bằng sạch trong các khu công nghệ cao do tỉnh quy hoạch và đầu tư phát triển..
- Được hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Thứ ba–Môi trường đầu tư minh bạch, chính quyền đồng hành
Tỉnh Khánh Hòa đã tái cấu trúc hệ thống hành chính theo hướng tinh gọn – hiệu quả – rõ trách nhiệm. Đồng thời:
- Chuyển từ mô hình "quản lý – kiểm tra" sang "hỗ trợ – phục vụ".
- Tăng cường xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, liên thông giữa các sở ngành theo quy trình phối hợp cụ thể, minh bạch và giảm thời gian chờ đợi.
Chủ tịch Khánh Hoà chia sẻ thêm, mỗi doanh nghiệp đều có nhiều lựa chọn điểm đến đầu tư. Nhưng Khánh Hòa hôm nay – với thể chế đặc thù, chính quyền hành động và không gian phát triển mới – đang mở ra một "cánh cửa vàng" cho hợp tác lâu dài và phát triển bền vững.