Theo ông Trần Minh Khương, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, trong nhiệm kỳ 2020-2025, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vẫn hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Nhiều mặt hoạt động của ngành có sự chuyển biến tích cực, rõ rệt.
Với phương châm xuyên suốt: "Chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa", nhiều giải pháp đồng bộ đã được ban hành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Cũng theo ông Khương, trong 5 năm qua, nhiều nhiệm vụ quan trọng được quy định trong Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi đã được KTNN triển khai bài bản, có chất lượng và được Quốc hội đánh giá cao. Điển hình là các nhiệm vụ như: cho ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, cho ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương hằng năm.
Công tác tổ chức kiểm toán cũng được điều hành linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế. Năm 2021, KTNN không thực hiện kiểm toán với ngành y tế, Công an, Bộ Chỉ huy quân sự và điều chỉnh quy mô, thời gian các cuộc kiểm toán tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Năm 2024, trước hậu quả của bão Yagi, KTNN tiếp tục giảm nhiệm vụ kiểm toán để các địa phương tập trung khắc phục hậu quả thiên tai. Năm 2025, nhằm tạo điều kiện cho việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, KTNN giảm các cuộc kiểm toán liên quan đến cấp huyện, ưu tiên tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách cấp tỉnh hoàn thành trước 30/6/2025.
Tính đến hết năm 2024, tổng số tiền KTNN kiến nghị xử lý tài chính trong nhiệm kỳ lên tới 281.809 tỷ đồng.
Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính và tài sản công tại các bộ, ngành, địa phương, đồng thời kịp thời kiến nghị chấn chỉnh. KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới 1.048 văn bản chưa phù hợp với pháp luật hoặc thực tiễn, góp phần bịt kín "lỗ hổng" trong quản lý, phòng ngừa thất thoát, lãng phí.
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán là một trọng tâm được đặc biệt chú trọng. KTNN đã chỉ đạo tập trung kiểm toán các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao như: tài chính công, tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên – khoáng sản, các dự án BOT, BT…
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, quy trình kiểm toán thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhằm tăng cường khả năng phát hiện, xác minh và xử lý sai phạm.
Trong nhiệm kỳ, KTNN đã chuyển 17 vụ việc sang cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, KTNN đã cung cấp 1.851 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng khác phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát.
Đáng chú ý, KTNN đã công khai danh sách đơn vị chưa thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; số hóa toàn bộ báo cáo kiểm toán để cung cấp cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan kiểm tra; công khai trên website kết quả kiểm toán các cuộc kiểm toán có phát hiện lãng phí, các cuộc kiểm toán đạt "chất lượng vàng", được khen thưởng đột xuất; cũng như tổ chức họp báo hằng năm để công khai kết quả kiểm toán.