
Bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)
Trong Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2025 mới đây, bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết những doanh nghiệp trong ngành đang xuất khẩu trực tiếp sang Hoa Kỳ vẫn giữ thái độ tích cực trước thông tin thuế quan hiện nay.
Bà Bình cho biết, mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn chưa chấm dứt căng thẳng, với ngành chế tạo – ngành có tính chất bền vững, không thể nay đây mai đó nên các công ty cần một chuỗi cung ứng bền vững. Trong bối cảnh đó, Việt Nam so với một số đối tác khác như Ấn Độ hay kể cả các nước trong ASEAN vẫn là một nền chính trị ổn định, chính sách ổn định.
"Khách hàng khẳng định với chúng tôi, với các doanh nghiệp cung ứng là họ sẽ cố gắng để chuyển sang Việt Nam. Vì thế doanh nghiệp khẳng định dù khó đến mấy cũng không bỏ thị trường Hoa Kỳ vì đây là thị trường rất hấp dẫn đấy. Câu chuyện ngành chế tạo rất rõ như thế. Cho dù giá có thay đổi thì cuối cùng nhu cầu thị trường vẫn còn ở đấy", bà Bình cho biết.
Lãnh đạo VASI cho biết các nhà mua hàng cũng theo dõi sát sao quá trình đàm phán của Việt Nam và Mỹ. Họ nhận định các nỗ lực từ phía Việt Nam thời gian qua sẽ giúp quá trình đàm phán thuận lợi. Ngoài ra, truyền thông Mỹ cũng đánh giá tích cực về quá trình đàm phán của Việt Nam. Điều này khiến phản ứng của thị trường khá tích cực.
"Với khách hàng cũ, họ gửi thêm rất nhiều báo giá mới, còn những người đang tìm đơn hàng mới thì có một thời gian đoạn chững lại nhưng bây giờ thì lại bắt đầu tăng", bà Bình cho hay.

Trong bối cảnh nhiều ngành nghề lo sợ việc Hoa Kỳ yêu cầu đưa mức thuế một số sản phẩm hàng hóa từ Hoa Kỳ về 0%, bà Bình cho biết với ngành chế tạo, cách đây 7 năm đã bị áp thuế ATIGA (Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN) 0%, tức ô tô và hàng điện tử nhập khẩu theo Hiệp định này có mức thuế 0%.
Do vậy, nếu tiếp tục có thêm sản phẩm với mức thuế 0% từ Hoa Kỳ, theo bà Bình, áp lực đối với ngành chế tạo trong nước cũng không quá lớn.
"Doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng không sợ cuộc chơi này, bởi vì khi chúng tôi khảo sát sơ bộ với người mua trong nước, kể cả các FDI trong nước, cho đến thời điểm này họ vẫn rất tin tưởng vào chính sách của đôi bên. Họ vẫn chưa có sự thay đổi gì và thậm chí họ còn đặt hàng nhiều hơn", bà Bình nhấn mạnh.
Do vậy, bà Bình cho biết quan điểm của VASI cũng vẫn theo đuổi thị trường Hoa Kỳ, bên cạnh đó mở rộng các thị trường khác, trong đó đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, một thị trường vốn vẫn rất tiềm năng với ngành chế tạo. Ngoài ra, sẽ khai thác thêm thị trường như UAE, Canada.
"Trong 2-3 năm trở lại đây, năng lực của các doanh nghiệp trong ngành tiến bộ lên rất nhiều, tức là đã có thêm những sản phẩm hoàn chỉnh, những cụm linh kiện hoàn chỉnh, có thể xuất trực tiếp được chứ không phải lòng vòng như ngày xưa", bà Bình cho biết.
Theo số liệu của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Số lượng doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp 2, cấp 3 là khoảng 700 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của nhiều "ông lớn" như Samsung, BMW…