Pop Mart kiện 7-Eleven vì 'đạo nhái' con cưng Labubu

Việc Lafufu, phiên bản "nhái" của Labubu, đang được bày bán tại các cửa hàng 7-Eleven tại Mỹ khiến Pop Mart vô cùng khó chịu.

Pop Mart kiện 7-Eleven vì 'đạo nhái' con cưng Labubu- Ảnh 1.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), Nhà sản xuất đồ chơi Trung Quốc Pop Mart International đã đệ đơn kiện một số cửa hàng 7-Eleven tại California vì bán các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Labubu.

Theo đơn kiện được nộp lên tòa án liên bang California ngày 18/7/2025, Pop Mart cáo buộc công ty mẹ 7‑Eleven Inc. cùng bảy đơn vị nhượng quyền tại bang này đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi bày bán các món đồ chơi mô phỏng nhân vật Labubu nhưng không có sự cho phép.

"Mặc dù có quyền kiểm soát và phê duyệt hàng hóa từ hệ thống nhượng quyền, thế nhưng 7-Eleven đã không có động thái ngăn chặn và chấm dứt tình trạng làm giả và vi phạm nhãn hiệu, hình thức thương mại và bản quyền của Pop Mart", theo đơn khiếu nại.

Các sản phẩm bị cho là hàng giả có thiết kế, bao bì và tên gọi giống hàng thật, nhưng chất lượng vô cùng thấp: từ đường khâu cẩu thả, kết cấu lỏng lẻo cho đến những lỗi nghiêm trọng như mắt rơi ra, đầu gắn lệch hoặc thậm chí khuôn mặt bị gắn ngược. Pop Mart nhấn mạnh rằng những lỗi này không chỉ làm tổn hại đến danh tiếng thương hiệu, mà còn gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Pop Mart đã xác nhận vụ kiện vào thứ năm, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về mốc thời gian diễn ra phiên tòa. Phía công ty cũng cho biết đang tìm cách đòi bồi thường lợi nhuận, tiền bồi thường thiệt hại và chi phí kiện tụng.

Pop Mart kiện 7-Eleven vì 'đạo nhái' con cưng Labubu- Ảnh 2.
Pop Mart kiện 7-Eleven vì 'đạo nhái' con cưng Labubu- Ảnh 3.

Rất khó để nhận ra sự khác biệt giữa Labubu phiên bản gốc và nhái

Labubu là một trong những nhân vật chủ lực thuộc dòng đồ chơi nghệ thuật (art toy) của Pop Mart, do nghệ sĩ người Hồng Kông Kasing Lung sáng tạo. Với tạo hình "độc lạ" gồm miệng rộng với hàm răng cưa, đôi tai nhọn và thân hình nhỏ bé đáng yêu, Labubu đã trở thành một biểu tượng văn hóa sưu tầm, thu hút cộng đồng fan hùng hậu trên toàn cầu.

Cũng từ đây, nhiều sản phẩm nhái gắn mác Labubu đã được ra đời và bày bán công khai trên thị trường. Các sản phẩm này được đặt cho biệt danh "Lafufu" – là cách chơi chữ giữa "Labubu" và "fake" (giả mạo). Tên gọi này ban đầu là biệt danh đùa cợt của fan Labubu dành cho các phiên bản sao chép lậu của món đồ chơi này.

Nhưng khi "sự xấu xí" của Lafufu trở nên phổ biến và trở thành một hiện tượng văn hóa phụ riêng, Pop Mart không thể tiếp tục "làm ngơ". Pháp nhân của Pop Mart, Công ty TNHH Văn hóa & Sáng tạo Pop Mart Bắc Kinh, đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho cái tên này vào ngày 7/7 vừa qua.

Hu Jiamin, một luật sư tại Công ty luật Hunan Guochu, phát biểu với giới truyền thông địa phương rằng: "Đây là bước đi chiến lược nhằm chiếm quyền chủ động pháp lý trong việc kiểm soát thị trường hàng nhái."

Pop Mart kiện 7-Eleven vì 'đạo nhái' con cưng Labubu- Ảnh 4.
Pop Mart kiện 7-Eleven vì 'đạo nhái' con cưng Labubu- Ảnh 5.

Các sản phẩm Lafufu có chất lượng kém, họa tiết không giống như Labubu

Vụ kiện lần này không chỉ đơn thuần là tranh chấp thương mại mà còn phản ánh sự trỗi dậy của các thương hiệu đồ chơi sưu tầm cao cấp trong nền kinh tế tiêu dùng, nơi kiểu dáng thương mại trở thành tài sản giá trị, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Đồng thời, nó đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của các tập đoàn lớn như 7-Eleven trong việc kiểm soát chuỗi nhượng quyền: Liệu việc hàng giả tràn vào hệ thống có phải chỉ là sự cố ngoài ý muốn, hay là dấu hiệu của lỗ hổng quản lý cần được xử lý dứt điểm?