Thủ tướng: Rà soát, đề xuất tháo gỡ cho 2.200 dự án với tổng vốn 235 tỷ USD

Báo cáo tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đang đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha.

Thủ tướng: Rà soát, đề xuất tháo gỡ cho 2.200 dự án với tổng vốn 235 tỷ USD- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng ngày 5/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025.

Về đánh giá bổ sung kết quả năm 2024, Thủ tướng cho biết các nhận định, kết quả năm 2024 đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước cơ bản phù hợp và có nhiều chỉ tiêu đạt tốt hơn; đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Đáng chú ý là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.

Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; bội chi, nợ công được kiểm soát tốt. Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng GDP đạt 7,09% (đã báo cáo Quốc hội là 6,8-7%), cao nhất trong khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới; nâng quy mô nền kinh tế lên 476,3 tỷ USD, tăng 3 bậc, vươn lên vị trí thứ 32 thế giới. GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 4.700 USD, tiếp cận ngưỡng thu nhập trung bình cao. Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,63%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Thu NSNN đạt kỷ lục trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 20,1% so với dự toán, vượt 342.700 tỷ đồng; trong khi đã miễn, giảm, gia hạn 197.300 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

Các động lực tăng trưởng truyền thống đều phát huy hiệu quả. Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực; giải ngân vốn đầu tư công cao hơn 132.000 tỷ đồng so với cùng kỳ; Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 25,4 tỷ USD (tăng 2,4 tỷ USD so với số đã báo cáo). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9%; khách quốc tế tăng mạnh (39,5%). Xuất siêu 24,8 tỷ USD và khai mở thành công thị trường tiềm năng ở Trung Đông, châu Phi. Khai thác tốt các động lực tăng trưởng mới. Chuyển đổi số mạnh mẽ với điểm sáng là Đề án 06. Thương mại điện tử có tốc độ phát triển hàng đầu khu vực, tăng 20%. Nhiều dự án, hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới nổi được triển khai, tạo sự lan tỏa tốt. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, lên hạng 44/133. Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ USD, tăng 1 bậc, xếp hạng 32 thế giới.

Ba đột phá chiến lược được tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Đổi mới tư duy, cách làm trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế Trong năm 2024, Chính phủ tổ chức 11 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; trình Quốc hội xem xét, thông qua khối lượng nhiệm vụ lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ với 28 luật, 24 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 19 dự án luật, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển. Thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Hệ thống kết cấu hạ tầng có bước đột phá, nhất là hạ tầng giao thông và viễn thông, tạo không gian và cơ hội phát triển mới, tăng cường liên kết, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp. Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn được đẩy mạnh triển khai với sự hưởng ứng tích cực của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trong nước và trên thế giới.

An sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân được bảo đảm với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Đời sống người dân được nâng lên; tập trung khắc phục hiệu quả bão Yagi; tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực; trong năm 2024 đã hỗ trợ xóa trên 76.000 nhà tạm, nhà dột nát. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường; chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả tích cực.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh nhiều khó khăn, kết quả đạt được của năm 2024 là rất đáng trân trọng, tự hào, tốt hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là giữ được "trong ấm, ngoài êm", được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao; tạo đà cải cách, tạo lực phát triển, tạo khí thế sôi động và tạo niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tăng trưởng quý I cao nhất giai đoạn 2020-2025

Về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng cho biết từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới hết sức phức tạp, khó lường. Đặc biệt, việc Hoa Kỳ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, trong đó có Việt Nam, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế. Các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng gay gắt và khó kiểm soát.

Trong bối cảnh đó, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, với tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.

Trọng tâm là thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động thông suốt; tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu 8% trở lên; đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó trình Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua nhiều cơ chế, chính sách đột phá; làm việc với nhiều địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, quyết tâm hoàn thành trong thời gian sớm nhất, chất lượng cao nhất và không để đội vốn.

Đặc biệt, trước việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới, chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực; Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Hoa Kỳ đồng ý đàm phán. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo sát sao đoàn đàm phán và các bộ, cơ quan theo dõi tình hình, khẩn trương hoàn thiện phương án và sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ với tinh thần "lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ".

Thủ tướng: Rà soát, đề xuất tháo gỡ cho 2.200 dự án với tổng vốn 235 tỷ USD- Ảnh 2.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đang đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết quả đạt được những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng cho biết, tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020-2025; nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số. Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm. Tỷ giá ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm, tăng trưởng tín dụng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức 3,2%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách vĩ mô. Thu NSNN 4 tháng đạt trên 944.000 tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 275 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu trên 5 tỷ USD; bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu 3,4 triệu tấn gạo; vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020-2025, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tích cực. Sản xuất nông nghiệp duy trì đà phát triển. Công nghiệp khởi sắc, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng ở mức 2 con số (10,1%); điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng được bảo đảm. Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%; thương mại điện tử tăng trưởng mạnh. Du lịch là điểm sáng, thu hút gần 7,7 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay, tăng 23,8% so với cùng kỳ.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội… Đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng chiến lược kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và thông xe tuyến chính 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam...

Triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; trong đó Chính phủ trình Quốc hội 13 dự án luật quan trọng và ưu tiên bố trí nguồn lực để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Dịch vụ công trực tuyến được tăng cường; chấp thuận đầu tư thí điểm dịch vụ internet vệ tinh; nâng cấp hạ tầng 5G và trục viễn thông quốc gia. Triển khai Đề án 06 mang lại nhiều kết quả thực chất; cung cấp nhiều ứng dụng, tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi số trong quản lý thuế, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được triển khai quyết liệt, hiệu quả.

Về văn hóa, xã hội và môi trường, các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng, giảm nghèo được triển khai hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh, đầm ấm, nghĩa tình, mọi người, mọi nhà đều có Tết. Tổ chức chi trả sớm lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5/2025.

Đang tích cực triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để cho vay tiêu dùng, mua nhà ở xã hội đối với người trẻ tuổi, người nghèo, người thu nhập thấp. Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát được lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước với phương châm "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít".

Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường. Tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực; kết nối cung - cầu lao động được tăng cường; thu nhập của người lao động tăng lên. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 xếp hạng 46/143, tăng 8 bậc so với năm 2024.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực khoa học cơ bản, chip, bán dẫn, vi mạch, kỹ thuật và công nghệ cao, công nghệ then chốt. Giáo dục, đào tạo tiếp tục được đổi mới; mở rộng triển khai học bạ số, tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm và đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học…

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, y tế cơ sở, y tế dự phòng tiếp tục được chú trọng đầu tư; ứng phó và ngăn ngừa hiệu quả, kịp thời các loại dịch bệnh truyền nhiễm. Sổ sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử được thúc đẩy triển khai mạnh mẽ ở khắp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cơ bản bảo đảm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng; làm chủ và triển khai nhiều kỹ thuật y học tiên tiến.

Công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí có tín hiệu phát triển tích cực với nhiều sản phẩm, hoạt động văn hóa đặc sắc, sáng tạo của tuổi trẻ. Các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, lễ hội truyền thống được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, như kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương…; tổ chức thành công lễ diễu binh, diễu hành và nhiều sự kiện cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước an toàn, vui tươi, lành mạnh, khẳng định lịch sử hào hùng của dân tộc, hun đúc mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tri ân sâu sắc các thế hệ cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong thời gian ngắn đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, chất lượng được nâng cao. Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật quan trọng. Tại kỳ họp lần này, Chính phủ trình Quốc hội số lượng luật, nghị quyết lớn nhất từ trước đến nay tại một kỳ họp (44 dự án luật, nghị quyết); trong đó có nhiều nội dung quan trọng, có tính "mở đường", như phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế tư nhân, một luật sửa nhiều luật trong lĩnh vực tài chính, nghị quyết về chính sách xây dựng và thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách đặc biệt đối với người làm công tác pháp luật..., đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo động lực phát triển mới. Tích cực ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, thông suốt, hiệu quả, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đã hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 8 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ); đồng thời triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, người nước ngoài, chuyên gia nước ngoài. Thực hiện nghiêm Chương trình công tác, Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung hoàn thiện thể chế, giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra và thực hiện kết luận thanh tra; đẩy mạnh giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân.

Công tác phòng, chống lãng phí được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tích cực, nhất là việc xử lý các công trình, dự án tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực; trong đó, Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đang đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha.

Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, triển khai hiệu quả đường lối, chiến lược, chính sách quân sự, quốc phòng. Xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Trật tự an toàn xã hội được giữ vững; bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sự kiện quan trọng của đất nước. Đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo trực tuyến, ma túy, hàng giả... đạt kết quả tích cực; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Hoàn thành xuất sắc công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, toàn diện, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển. Nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao được triển khai hiệu quả. Nâng tầm đối ngoại đa phương; tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư và Hội nghị Tương lai ASEAN, thể hiện trách nhiệm quốc tế, vị thế mới, tâm thế mới và vai trò dẫn dắt của Việt Nam. Công tác đối ngoại nhân dân, bảo hộ công dân tiếp tục được triển khai hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập cần được xử lý quyết liệt, hiệu quả hơn.

Thủ tướng: Rà soát, đề xuất tháo gỡ cho 2.200 dự án với tổng vốn 235 tỷ USD- Ảnh 3.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, nguyên nhân của kết quả đạt được: Là do sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, mà thường xuyên, trực tiếp, sâu sát là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; sự phối hợp, đồng hành và giám sát của Quốc hội; sự vào cuộc của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự quản lý, điều hành đúng hướng, quyết liệt, sát thực tiễn, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, tin tưởng, tích cực tham gia của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Nguyên nhân của hạn chế, bất cập, chủ yếu là do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là kinh tế vĩ mô. Nước ta vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, lại có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài và tính cạnh tranh chưa cao. Những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế kéo dài từ lâu bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn. Công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách có lúc chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức năng lực chưa đạt yêu cầu, chưa quyết liệt, sâu sát, còn vô cảm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.

Thủ tướng nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm quan trọng gồm:

Một là , bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hai là , tăng cường đoàn kết, thống nhất. Không lùi bước trước khó khăn; kiên định mục tiêu đề ra nhưng với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện.

Ba là, nắm chắc diễn biến tình hình, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, khả thi, hiệu quả; nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; tiết kiệm thời gian; coi trọng trí tuệ; quyết đoán đúng thời điểm. Phân công nhiệm vụ bảo đảm 6 rõ "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả".

Bốn là , đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, động viên, khen thưởng, xử lý kỷ luật kịp thời, đúng bản chất.

Năm là , tập trung tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn; kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, giảm chi phí, thời gian tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng.


Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/thu-tuong-ra-soat-de-xuat-thao-go-cho-2200-du-an-voi-tong-von-235-ty-usd-a11446.html