TS Nguyễn Văn Đính: Nghị quyết 68 trở thành “cuộc cách mạng” mở cửa cho thị trường bất động sản

TS Nguyễn Văn Đính chia sẻ, Nghị quyết 68 là “một cuộc cách mạng thực sự về cơ chế” khi lần đầu tiên có một văn kiện cấp cao khẳng định mạnh mẽ vai trò then chốt của doanh nghiệp tư nhân.

TS Nguyễn Văn Đính: Nghị quyết 68 trở thành “cuộc cách mạng” mở cửa cho thị trường bất động sản- Ảnh 1.

Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết đã đưa ra nhiều định hướng và giải pháp mang tính đột phá, góp phần tái xác lập vai trò và vị thế của khu vực này trong nền kinh tế quốc dân.

Với hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần 50% GDP, hơn 30% thu ngân sách nhà nước và sử dụng hơn 80% lực lượng lao động xã hội.

Trong đó, doanh nghiệp bất động sản giữ vai trò đặc biệt trong việc dẫn dắt các trục phát triển quan trọng như đô thị hóa, hạ tầng, công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ.

TS Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhấn mạnh: “Doanh nghiệp bất động sản không chỉ trực tiếp tạo giá trị mà còn dẫn dắt hơn 40 ngành nghề liên quan, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và tạo hàng triệu việc làm.”

Ông cho biết, chỉ riêng năm 2023, các doanh nghiệp BĐS tư nhân đã nộp hơn 37.000 tỷ đồng vào ngân sách, đứng thứ hai trong khối doanh nghiệp tư nhân toàn quốc. Đặc biệt, trong top 10 tập đoàn tư nhân đa ngành nộp thuế lớn nhất năm 2024, có đến 3 doanh nghiệp lấy BĐS làm lĩnh vực cốt lõi.

Tuy nhiên, theo TS Đính, trong vài năm gần đây, thị trường BĐS gặp rất nhiều khó khăn do hàng loạt điểm nghẽn kéo dài, mà nổi bật là rào cản pháp lý và thủ tục hành chính chồng chéo.

“Nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả các tập đoàn lớn, đang có dự án bị đình trệ nhiều năm chỉ vì vướng mắc trong khâu phê duyệt, giải phóng mặt bằng hay cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những điểm nghẽn này không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhà đầu tư”, ông cho biết.

Nghị quyết 68: Hành lang cơ chế đột phá, cú huých mở cửa thị trường

Trước thực trạng đó, TS Nguyễn Văn Đính đánh giá cao việc ban hành Nghị quyết 68. Ông gọi đây là “một cuộc cách mạng thực sự về cơ chế” khi lần đầu tiên có một văn kiện cấp cao khẳng định mạnh mẽ vai trò then chốt của doanh nghiệp tư nhân và đặt ra các giải pháp tháo gỡ cụ thể, thực chất cho các điểm nghẽn đang tồn tại.

Theo Chủ tịch VARS, Nghị quyết 68 không chỉ khơi thông tư duy, mà còn đề ra các mục tiêu rất cụ thể và có thể đo lường được. Đơn cử, đến năm 2025 phải hoàn thành việc cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và chi phí tuân thủ pháp luật; đồng thời phải tiếp tục cắt giảm mạnh mẽ trong các năm sau đó. Đây là các mục tiêu chưa từng được đề cập trực tiếp trong các nghị quyết trước đó.

Một điểm đột phá khác mà TS Nguyễn Văn Đính đặc biệt nhấn mạnh là nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia và các hệ thống liên quan.

“Khi toàn bộ dữ liệu đất đai, lịch sử giao dịch, quy hoạch, tình trạng pháp lý được số hóa và công khai, thì doanh nghiệp sẽ có nền tảng minh bạch để định giá tài sản, lên kế hoạch đầu tư chính xác và hiệu quả hơn rất nhiều”, ông nói.

TS Nguyễn Văn Đính: Nghị quyết 68 trở thành “cuộc cách mạng” mở cửa cho thị trường bất động sản- Ảnh 2.

Nghị quyết 68 cũng đặt mục tiêu thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, giảm thiểu tối đa thời gian và rủi ro trong các khâu giải phóng mặt bằng, cấp sổ đỏ, thuê đất, giao đất. Đây được xem là các điểm mấu chốt để giúp dự án được triển khai nhanh, giảm chi phí tài chính – hành chính – cơ hội, từ đó doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá bán theo hướng hợp lý hơn, nhất là với các sản phẩm nhà ở phù hợp thu nhập đại đa số người dân.

TS Nguyễn Văn Đính dự báo, trong ngắn hạn, có thể xuất hiện tình trạng chậm xử lý hồ sơ do bộ máy đang được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, nếu các giải pháp trong Nghị quyết 68 được triển khai nghiêm túc và đồng bộ, bộ máy hành chính sẽ hoạt động trơn tru hơn, quy trình cấp phép và phê duyệt dự án sẽ minh bạch, nhanh gọn hơn rất nhiều.

“Khi quy trình minh bạch, thị trường sẽ có cơ sở để định giá đúng. Doanh nghiệp cũng tiết kiệm được chi phí, từ đó hạ giá bán. Điều này đặc biệt quan trọng với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá hợp lý – những phân khúc đang được Nhà nước ưu tiên trong thời gian tới”, ông khẳng định.

TS Đính cho rằng, khi nguồn cung thị trường được phục hồi theo hướng đa dạng và hợp lý, tình trạng lệch pha cung – cầu sẽ được khắc phục. Các hiện tượng đầu cơ, tạo khan hiếm giả, thổi giá sẽ bị triệt tiêu. Từ đó, niềm tin thị trường sẽ dần được củng cố trở lại.

“Khi niềm tin quay lại, dòng vốn sẽ quay lại. Giao dịch sôi động, đầu tư khởi sắc, thị trường bất động sản sẽ trở lại đúng vai trò là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế”, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS nhấn mạnh.


Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/ts-nguyen-van-dinh-nghi-quyet-68-tro-thanh-cuoc-cach-mang-mo-cua-cho-thi-truong-bat-dong-san-a12716.html