“Bom tấn” Vinpearl lên sàn, chứng khoán Việt Nam “giải cơn khát” hàng hoá mới

Sau thời gian dài lặng sóng do vắng bóng “bom tấn” lên sàn, thương vụ Vinpearl niêm yết được kỳ vọng sẽ tạo ra cú huých đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Bom tấn” chào sàn sau thời gian dài vắng bóng

Ngày 13/5, hơn 1,79 tỷ cổ phiếu VPL của CTCP Vinpearl chính thức giao dịch trên sàn HoSE, với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên là 71.300 đồng/cp. Cổ phiếu VPL “cháy hàng” ngay phiên chào sàn, tăng kịch trần lên mức 85.500 đồng/cp, đẩy vốn hóa Vinpearl vượt 150.000 tỷ đồng, lọt top 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất.

Lần gần nhất có một doanh nghiệp được định giá tỷ USD lên sàn chứng khoán là vào năm 2018, khi Vinhomes (VHM) niêm yết với định giá khoảng 10 tỷ USD. Sau thời gian dài lặng sóng do vắng bóng “bom tấn” lên sàn, thương vụ Vinpearl niêm yết được kỳ vọng sẽ tạo ra cú huých đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Bom tấn” Vinpearl lên sàn, chứng khoán Việt Nam “giải cơn khát” hàng hoá mới- Ảnh 1.

Vinpearl hoạt động trong lĩnh vực du lịch và khách sạn, một ngành có tiềm năng tăng trưởng cao nhờ sự phục hồi của du lịch quốc tế và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Việt Nam. Sự hiện diện của Vinpearl giúp nhà đầu tư có thêm lựa chọn ngoài các ngành truyền thống như tài chính và bất động sản.

Theo ông Đặng Văn Cường - Trưởng phòng tư vấn đầu tư Mirae Asset, thương vụ Vinpearl niêm yết sẽ tạo ra tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán bởi khá lâu rồi Việt Nam mới có ‘bom tấn” lên sàn. Ngoài việc thêm lựa chọn mới cho nhà đầu tư trong lĩnh vực giàu tiềm năng, với quy mô lớn, tiềm lực mạnh, Vinpearl niêm yết được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện tiêu mục tiêu vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP vào năm 2030.

Với riêng Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam sẽ có thêm một thành viên niêm yết, nâng tổng vốn hóa thị trường cả nhóm (Vingroup, Vincom Retail, Vinhomes, Vinpearl, VinFast, Vefac và Savina) lên hơn lên gần 1 triệu tỷ đồng. Với các công ty con có đa dạng ngành nghề và chiến lược kinh doanh rõ ràng ở từng đơn vị, hệ sinh thái này sẽ tiếp tục phát triển khi kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế và nhận được nhiều chính sách hỗ trợ.

Với sự hồi phục ấn tượng của ngành du lịch, đặc biệt là lượng khách quốc tế đến Việt Nam vượt mức trước đại dịch, kết quả kinh doanh của Vinpearl kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc, đóng góp vào kết quả chung của tập đoàn. Ngoài ra, việc niêm yết còn giúp Vinpearl dễ dàng huy động vốn cho các kế hoạch mở rộng quy mô trong tương lai.

Thời điểm vàng để niêm yết

Nhìn lại quá khứ, có thể dễ dàng nhận thấy những lần thị trường chứng khoán nổi sóng thực sự đều mang đậm dấu ấn của các thương vụ “bom tấn” lên sàn chứng khoán. Điển hình như giai đoạn 2006-07, doanh nghiệp đình đám "đổ bộ" lên sàn đẩy VN-Index tiến sát 1.200 điểm. Hay như giai đoạn 2015-18, loạt doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân lớn lên sàn, bán vốn đưa chỉ số trở lại mốc 1.200 sau một thập kỷ.

Gần nhất là giai đoạn 2020-21, bên cạnh câu chuyện tiền rẻ, làn sóng cổ phiếu ngân hàng lên sàn là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy thị trường liên tục đi lên, lập đỉnh thời đại trên 1.500 điểm. Rõ ràng, hàng hoá mới, chất lượng là xúc tác không thể thiếu trong mỗi con sóng lịch sử của thị trường chứng khoán nhưng lại thiếu vắng trong những năm gần đây. Thương vụ Vinpearl niêm yết được kỳ vọng sẽ kích hoạt hiệu ứng “domino” kéo theo một loạt “bom tấn” lên sàn thời gian tới.

“Bom tấn” Vinpearl lên sàn, chứng khoán Việt Nam “giải cơn khát” hàng hoá mới- Ảnh 2.

Sau Vinpearl, nhiều tên tuổi đáng chú ý như TCBS, F88 cũng đang rục rịch IPO và tiến tới lên sàn chứng khoán. Xa hơn, thị trường có thể kỳ vọng thêm những cái tên như THACO AUTO, Bách Hóa Xanh, Golden Gate và Highlands Coffee, VPS, Viettel IDC, Misa, VNPay, Long Châu,… Tại Investor Day hồi đầu năm, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc đầu tư Dragon Capital dự báo giai đoạn 2027-2028, thị trường chứng khoán được kỳ vọng đón làn sóng IPO quy mô 47 tỷ USD.

Theo một số đánh giá, đây là thời điểm vàng cho các doanh nghiệp niêm yết khi thị trường chứng khoán đứng trước cơ hội để thu hút dòng tiền lớn. Sau những nỗ lực của cơ quan quản lý, triển vọng nâng hạng của chứng khoán Việt Nam đang ngày càng rõ ràng. Nếu được nâng hạng, hàng tỷ USD có thể sẽ đổ vào thị trường.

Hơn nữa, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn mang tính bản lề để thay đổi cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên tập trung phát triển khoa học công nghệ (Nghị quyết 57), ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68). Đây là một trong những động lực quan trọng giúp các doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, vươn ra biển lớn qua đó góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.

Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/bom-tan-vinpearl-len-san-chung-khoan-viet-nam-giai-con-khat-hang-hoa-moi-a12774.html