KIS Research: Nội lực sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới

Xuất khẩu từng là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam. Nhưng trước rủi ro thuế quan của Mỹ, Chứng khoán KIS cho rằng đầu tư công và tiêu dùng nội địa đang trở thành động lực tăng trưởng trong thời gian tới.

Xuất khẩu có thể chậm lại

Theo Chứng khoán KIS, trong giai đoạn 2021-2024, kinh tế Việt Nam trải qua những biến động mạnh từ đại dịch. Động lực tăng trưởng chủ đạo trong những năm này vẫn là khu vực xuất khẩu với sự dẫn dắt từ các doanh nghiệp FDI. Nhờ vị thế tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam liên tục lập kỷ lục và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 405 tỷ USD, tăng hơn 14% so với 2023. Đây là mức tăng bứt phá giúp GDP Việt Nam tăng 7.09%.

Xuất khẩu không chỉ đem lại ngoại tệ và thặng dư thương mại (Việt Nam duy trì xuất siêu từ 2018 đến nay) mà còn là đầu tàu kéo sản xuất công nghiệp. Tăng trưởng xuất khẩu thường song hành với tăng sản lượng công nghiệp chế biến chế tạo. Năm 2024, khi xuất khẩu hàng hóa tăng vọt +14%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước cũng tăng 8.4%, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực sản xuất. Các địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh,… đều đạt mức tăng trưởng GRDP cao, nhờ vào tổ hợp các doanh nghiệp FDI (Samsung, Foxconn, Nike, v.v.).

KIS Research: Nội lực sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới- Ảnh 1.

Biểu đồ 1: Xuất khẩu qua các năm. Nguồn: GSO, KIS

Tuy nhiên, sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu cũng khiến Việt Nam dễ tổn thương trước các cú sốc bên ngoài. Khi nhu cầu Thế giới giảm tốc trong năm 2023 do lạm phát cao và thắt chặt tiền tệ toàn cầu, đơn hàng xuất khẩu của loạt nhà máy Việt Nam sụt giảm. Bên cạnh đó, Chứng khoán KIS cũng nhận thấy các chính sách thuế quan từ Tổng thống Trump ở hiện tại cũng tạo áp lực không nhỏ lên tăng trưởng toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo đó, sau khi Mỹ công bố sẽ áp mức thuế 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, điều này đã tạo ra tâm lý tiêu cực khi triển vọng tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại đáng kể. Tuy Mỹ đã dời thời điểm áp thuế để tạo không gian đàm phán, nhưng những rủi ro về thuế quan vẫn còn khá lớn.

Những rủi ro này là lời cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu thuần túy có thể không bền vững khi chu kỳ kinh tế Thế giới đảo chiều. Trong bối cảnh này, Việt Nam buộc phải tính đến việc đa dạng hóa động lực tăng trưởng, giảm bớt sự lệ thuộc vào xuất khẩu thuần túy. Đây chính là lý do xuất hiện các định hướng mới, tập trung hơn vào thị trường nội địa trong những năm gần đây.

Nội lực sẽ thúc đẩy tăng trưởng

Trước những rủi ro và sự giảm tốc của khu vực xuất khẩu, Chứng khoán KIS nhận thấy kỳ vọng các yếu tố bên trong sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn tới. Cụ thể, hai động lực được chú trọng là đầu tư công (nhất là phát triển hạ tầng) và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, thông qua các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ. Mục tiêu là bù đắp sự sụt giảm của xuất khẩu, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng phát triển bền vững hơn.

KIS Research: Nội lực sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới- Ảnh 2.

Đẩy mạnh đầu tư công và phát triển hạ tầng trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế

Đẩy mạnh đầu tư công và phát triển hạ tầng trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế, khi quy mô vốn ngân sách dành cho đầu tư phát triển liên tục tăng cao. Vốn đầu tư từ ngân sách theo kế hoạch năm 2025 gần 900 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với kế hoạch năm 2024 (khoảng 780 nghìn tỷ đồng) và số thực tế chi năm 2024 (khoảng 660 nghìn tỷ đồng).

Hàng loạt dự án hạ tầng được triển khai như đường Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh đã được đẩy nhanh; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) cũng đang được tăng tốc thi công. Tác động của đầu tư công đã phần nào phát huy, trở thành một trụ đỡ cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, Chứng khoán KIS cũng nhận thấy đầu tư công hiệu quả cũng có tác dụng "dẫn dắt" đầu tư tư nhân và FDI, khi hạ tầng tốt hơn giúp giảm chi phí kinh doanh. Do vậy, việc ưu tiên hạ tầng sẽ hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn, đồng thời tạo tiền đề cho chu kỳ tăng trưởng mới trong tương lai.

KIS Research: Nội lực sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới- Ảnh 3.

Biểu đồ 2: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách 4 tháng đầu năm 2025. Nguồn: GSO, KIS

Bên cạnh đó, theo Chứng khoán KIS, một động lực tăng trưởng khác có thể đến từ tiêu dùng nội địa và chính sách hỗ trợ. Cụ thể, song song với đầu tư công, Việt Nam triển khai nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm kích thích tổng cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng của hộ gia đình và đầu tư tư nhân. Hàng loạt chính sách đã được thực thi như giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh,…

Nhờ các chính sách này, tiêu dùng nội địa đã phục hồi đáng kể sau Covid-19 khi doanh số bán lẻ 4 tháng đầu năm 2025 tăng gần 10% so với cùng kỳ 2024. Đây là mức phục hồi đáng kể nếu so với năm 2024. Do đó, có thể nói tiêu dùng nội địa đang dần trở thành động lực tăng trưởng quan trọng.

Với sự thay đổi trong các yếu tố thúc đẩy nền kinh tế như hiện tại, Chứng khoán KIS cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể tạo ra được động lực tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới.

Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/kis-research-noi-luc-se-thuc-day-tang-truong-kinh-te-giai-doan-toi-a12937.html