Kỳ vọng lớn về tiềm năng TTCK, ngân hàng đua nhau thâu tóm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 vừa qua, một loạt ngân hàng đã thông qua kế hoạch mua lại công ty chứng khoán hoặc/và công ty quản lý quỹ nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh.

Kỳ vọng lớn về tiềm năng TTCK, ngân hàng đua nhau thâu tóm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Sacombank, MSB, SeABank dự kiến mua lại công ty chứng khoán trong năm 2025

ĐHĐCĐ Sacombank mới đây đã thông qua tờ trình của Hội đồng quản trị về phương án mua công ty chứng khoán để trở thành công ty con của ngân hàng. Theo đó, Sacombank sẽ góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán, với tỷ lệ sở hữu trên 50%, tổng giá trị đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán mục tiêu của Sacombank phải đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản như: báo cáo tài chính rõ ràng, minh bạch, đánh giá được rõ ràng chất lượng tài sản; đầy đủ các nghiệp vụ cung ứng cho nhà đầu tư; quy mô vốn phù hợp; hệ thống vận hành ổn định, có khả năng kết nối với các đối tác. Ngân hàng cũng ưu tiên công ty chứng khoán đang niêm yết.

Hiện Sacombank này đang nắm giữ gần 14% cổ phần của Công ty Chứng khoán SBS. Từng là công ty mẹ nhưng đến năm 2011, Sacombank dần thoái vốn khỏi SBS, thậm chí có ý định bán toàn bộ vốn khỏi công ty chứng khoán này để cơ cấu lại các khoản đầu tư không hiệu quả. Tuy nhiên, lãnh đạo Sacombank khẳng định trước cổ đông, Ngân hàng sẽ lựa chọn một công ty chứng khoán mới, chứ không mua lại vốn của SBS. Danh tính của công ty này vẫn chưa được tiết lộ.

Tại đại hội vừa qua, MSB cũng đã được cổ đông thông qua việc góp vốn, mua cổ phần của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để các công ty này trở thành công ty con của MSB.

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh, mục tiêu của MSB là các công ty chứng khoán có tài sản sạch và quy mô vốn điều lệ khoảng 300-500 tỷ đồng. Sau đó, MSB sẽ tham gia điều hành và điều chỉnh tăng vốn để phù hợp với quá trình phát triển, đồng thời hỗ trợ các sản phẩm liên quan.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, SeABank cũng đã thông qua kế hoạch mua cổ phần của Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN ("Asean Securities") để Công ty này trở thành Công ty con của SeABank.

Hiện Công ty chứng khoán ASEAN có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. SeABank dự kiến sẽ mua cổ phần để sở hữu tối đa 100% vốn điều lệ công ty chứng khoán này. Thời gian thực hiện trong năm 2025 và/hoặc phù hợp với chấp thuận của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, quy định của pháp luật và tình hình thực tế.

Trong khi đó, VPBank - vốn đang sở hữu một công ty chứng khoán hàng đầu là VPBankS - cũng muốn tiến sâu hơn vào lĩnh vực này. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, VPBank đã thông qua phương án góp vốn, nhận chuyển nhượng phần vốn góp/ mua cổ phần để một công ty quản lý quỹ trở thành công ty con của VPBank. Tỷ lệ tham gia của VPBank và các bên liên quan tối đa 100%.

Trước đó, TPBank cũng đã hoàn thành mua lại Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) với tỷ lệ nắm giữ cổ phần 99,9% vào đầu năm 2024. Hiện, TPBank sở hữu 9,01% vốn tại Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), giá trị góp vốn thực là 270,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác hiện cũng đang sở hữu hoặc nắm quyền chi phối công ty chứng khoán như Techcombank có TCBS, MB sở hữu Công ty Chứng khoán MB (MBS), Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) trực thuộc VCB, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) của Agribank...

Vì sao các ngân hàng muốn tham gia sâu vào lĩnh vực chứng khoán?

Trong tờ trình cổ đông, Ban lãnh đạo MSB kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển cả về chất và lượng, với nhiều yếu tố hỗ trợ, với mục tiêu vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP vào năm 2030. Đặc biệt, thị trường chứng khoán hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025, mục tiêu dự báo sẽ thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm vào Việt Nam.

Nhận biết xu hướng và các tiềm năng tăng trưởng, MSB xác định lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng đầu tư là một trong những trọng tâm phát triển trong tương lai. Do đó, việc đầu tư vào công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nhằm giúp MSB mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng đầu tư, cung cấp các dịch vụ tài chính trọng gói như: môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính và phát hành cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư chứng khoán đến quản lý tài sản và đầu tư quỹ, giúp MSB trở thành một hình tài chính toàn diện, tương tự như các ngân hàng lớn đã thành công với mô hình này như Vietcombank (VCBS), MB (MBS). MSB sẽ quản lý tài sản khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lớn từ ngân hàng bán lẻ.

Bên cạnh đó, việc sở hữu một công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ giúp MSB đã gia tăng năng lực cấp dịch vụ chứng khoán và quản lý tài sản cao cấp (Wealth Management), phục vụ khách hàng tiềm năng, quy mô lớn, cả với chứng khoán, trái phiếu… giúp đa dạng hóa lựa chọn đầu tư.

Việc sở hữu một công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cũng giúp MSB tham gia sâu hơn vào thị trường vốn, nâng tầm sự phát triển dài hạn của thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh, MSB sẽ có lợi thế lớn khi vừa cung cấp dịch vụ ngân hàng vừa hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn qua kênh chứng khoán.

Nói về lý do muốn mua lại một công ty chứng khoán, lãnh đạo Sacombank đánh giá, hoạt động ngân hàng đầu tư đang là xu thế tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hệ thống ngân hàng toàn cầu và Việt Nam. Một số ngân hàng đã và đang triển khai hoạt động này hiệu quả, thông qua việc sở hữu các công ty chứng khoán. Do đó, việc góp vốn, mua cổ phần công ty chứng khoán sẽ giúp gia tăng nguồn thu dịch vụ và năng lực cạnh tranh cho Sacombank.

Lãnh đạo SeABank cho rằng, bên cạnh hoạt động kinh doanh ngân hàng là cốt lõi đóng vai trò trung tâm, việc SeABank mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán sẽ tạo cơ hội cho ngân hàng mở rộng hoạt động, đa dạng hóa các nhóm sản phẩm dịch vụ, bán chéo sản phẩm và đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối cho các nhóm đối tượng khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân, đa dạng hóa hoạt động đầu tư, từ đó đa dạng hóa doanh thu và tối ưu hóa vốn góp của cổ đông.

Còn theo Phó Chủ tịch VPBank Bùi Hải Quân, công ty quản lý quỹ cùng với Bảo hiểm nhân thọ là một trong hai mảnh ghép không thể thiếu của một tập đoàn tài chính – mô hình hoạt động mà VPBank đang theo đuổi.

Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/ky-vong-lon-ve-tiem-nang-ttck-ngan-hang-dua-nhau-thau-tom-cong-ty-chung-khoan-cong-ty-quan-ly-quy-a12983.html