Đề xuất chi 20 tỉ đồng làm 1 bộ luật, Bộ trưởng Tư pháp nói sẽ rà soát để giảm

Đại biểu Quốc hội băn khoăn về mức khoán chi quá cao để xây dựng pháp luật theo đề xuất của Chính phủ.

Ngày 16-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Chính phủ đã đề xuất thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính với định mức vượt trội và khoán chi theo nhiệm vụ, hoạt động trong công tác xây dựng pháp luật.

Đề xuất chi 20 tỉ đồng làm 1 bộ luật, Bộ trưởng Tư pháp nói sẽ rà soát để giảm- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà. Ảnh: Phạm Thắng

Phụ lục dự thảo nghị quyết nêu rõ mức khoán chi cho việc xây dựng một bộ luật mới; bộ luật thay thế bộ luật hiện hành (từ xây dựng đến thông qua) là 20 tỉ đồng; Luật mới, luật thay thế luật hiện hành là 18 tỉ đồng; Bộ luật sửa đổi, bổ sung là 10 tỉ đồng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp là 9 tỉ đồng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật hiện hành là 4,5 tỉ đồng; Nghị quyết thí điểm của Quốc hội là 7 tỉ đồng; Nghị quyết của Quốc hội là 4,5 tỉ đồng…

Trong đó, khâu xây dựng, soạn thảo, thẩm định, trình chiếm 70% mức khoán chi; còn 30% dành cho khâu thẩm tra, thông qua.

Cũng tại phụ lục, mức khoán cho xây dựng một Nghị định của Chính phủ là từ 1,3 đến 2,4 tỉ đồng; Nghị quyết của Chính phủ là từ 530 đến 630 triệu đồng…; Mức khoán chi cho xây dựng mỗi thông tư là 550 triệu đồng; Thông tư liên tịch là 600 triệu đồng…

Phát biểu thảo luận về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ nhiều băn khoăn. Theo ông Hoà, những người làm trong công tác xây dựng pháp luật đã được hưởng các chế độ, chính sách thông thường, nay thêm mức khoán chi lớn như trên, cần cân nhắc kỹ.

Theo ông Phạm Văn Hoà, trước yêu cầu của thực tiễn thời gian qua, có thể một luật được xây dựng và xem xét thông qua theo quy trình 1 kỳ họp, thay vì 2 kỳ họp, vậy mức chi 20 tỉ đồng, 18 tỉ đồng hay 10 tỉ đồng như trên là quá cao.

"Hoặc những luật chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, nhưng mức khoán chi lên đến 9 tỉ đồng thì có hợp lý. Hay việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều tại luật mà cũng hưởng mấy tỉ đồng"- đại biểu Hòa nói và đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ mức chi, đồng thời đảm bảo chi đúng, chi trúng đối tượng.

Đề xuất chi 20 tỉ đồng làm 1 bộ luật, Bộ trưởng Tư pháp nói sẽ rà soát để giảm- Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phạm Thắng

ĐB Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho rằng trên thực tế, có tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây cản trở, là rào cản hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên việc xem xét, xử lý trách nhiệm việc này chưa được quan tâm thỏa đáng.

Do đó, ở dự thảo nghị quyết lần này, đại biểu Thành kiến nghị thiết kế quy định, có chế tài xử lý trách nhiệm cả hành chính và hình sự đối với người quyết định, người tham gia xây dựng pháp luật mà gây cản trở, tạo rào cản. "Chúng ta tăng chế độ, chính sách cho người làm công tác xây dựng pháp luật nhưng phải đi kèm với nâng cao trách nhiệm"- ông Nguyễn Lâm Thành nói.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết về mức khoán chi trong công tác xây dựng pháp luật, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát, giảm mức khoán chi cho phù hợp, tránh cao hơn so với mặt bằng chung cũng như tạo sự khác biệt với các công tác khác.

Theo dự thảo nghị quyết, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định danh mục nhiệm vụ, hoạt động và định mức khoán chi cho từng nhiệm vụ, hoạt động trong tổng định mức phân bổ trong phạm vi trách nhiệm của mình. Chính phủ trong trường hợp cần thiết, căn cứ tình hình thực tiễn điều chỉnh tổng mức chi quy định tại Nghị quyết.


Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/de-xuat-chi-20-ti-dong-lam-1-bo-luat-bo-truong-tu-phap-noi-se-ra-soat-de-giam-a13350.html