Kết thúc quý I/2025, bức tranh kinh doanh của ngành gỗ Việt Nam hiện rõ hai mảng sáng – tối. Một bên là nhóm doanh nghiệp tập trung vào ngành, tối ưu mô hình kinh doanh để sống khỏe giữa biến động. Bên còn lại, những cái tên từng có lãi nhờ dòng tiền tài chính và bất động sản, giờ loay hoay khi bệ đỡ không còn chắc chắn.
Lợi nhuận "teo tóp"
Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Công ty Cổ phần (Vinafor; HNX: VIF) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) bước vào năm 2025 với nhiều chỉ số có phần hao hụt, không phải vì thiếu doanh thu, mà vì lãi thì chẳng còn bao nhiêu.
Vinafor là ví dụ rõ ràng nhất. Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận gộp đi lên, nhưng cuối cùng chỉ còn chưa đến 7 tỷ đồng lợi nhuận, giảm tới 94% so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu thuần của công ty trong quý I/2025 đạt 447 tỷ đồng, 26%. Dù giá vốn tăng nhưng chậm hơn mức tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp của công ty ghi nhận tăng 27% lên 83 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính trong kỳ ghi nhận giảm 16% xuống còn 31 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, ngoại trừ chi phí tài chính giảm nhẹ, các khoản chi của công ty đều phát sinh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi phí bán hàng đạt 11 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 50 tỷ đồng; tăng lần lượt 22% và 6% so với quý I/2024.
Đáng chú ý, trong kỳ, công ty ghi nhận lỗ 35 tỷ đồng từ công ty liên doanh liên kết, trong khi năm ngoái lãi hơn 82 tỷ đồng. Đây cũng chính là nguyên nhân bào mòn lợi nhuận của Vinafor xuống còn 6,8 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại Gỗ Trường Thành, công ty ghi nhận doanh thu đạt 178 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp vì thế cũng bốc hơi gần 70% xuống còn 13,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính của Gỗ Trường Thành cũng giảm 24% xuống còn 5 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của công ty ghi nhận 17 tỷ đồng trong quý I/2025, tăng mạnh so với khoản tiền âm 24 tỷ đồng năm trước. Ngoài ra, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ghi nhận giảm 15% còn gần 54 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ khoản thu nhập bất thường 54 tỷ đồng (chưa rõ chi tiết), công ty mới vớt vát được khoản lãi nhỏ 1,58 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng con số này chẳng "thấm vào đâu" khi lỗ lũy kế của Gỗ Trường Thành đã xấp xỉ 3.242 tỷ đồng – tương đương gần 79% vốn điều lệ.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Gỗ Trường Thành chia sẻ do thị trường bất động sản trong nước chưa triển khai mạnh sau Tết Nguyên Đán sau khi có dấu hiệu khởi sắc vào cuối năm 2024.
Điểm sáng của ngành gỗ
Trong khi nhiều cái tên loay hoay tìm lợi nhuận từ bên ngoài ngành thì Công ty Cổ phần Phú Tài (HoSE: PTB) lại cho thấy sức bật từ chính hoạt động cốt lõi.
Cụ thể, doanh thu thuần của công ty trong quý I/2025 đạt hơn 1.620 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng gỗ tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất với gần 1.022 tỷ đồng doanh thu, tăng 13% so với cùng kỳ.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng lần lượt 9% và 4%, trong khi chi phí tài chính giảm 20%, doanh thu tài chính tăng 8%. Nhờ đó, Phú Tài lãi sau thuế hơn 116 tỷ đồng, tăng 27% và là mức lãi cao nhất trong 10 quý trở lại đây của công ty.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Phú Tài cho biết, kết quả kinh doanh khả quan chủ yếu đến từ sản lượng tiêu thụ tăng ở 3 ngành chính gồm gỗ, bất động sản và ô tô. Ngoài ra, chênh lệch tỉ giá và chi phí tài chính giảm cũng góp phần cải thiện lợi nhuận.
Năm 2025, Phú Tài đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 7.343 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 528 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu năm, công ty thực hiện được 22% kế hoạch doanh thu và 27% mục tiêu lợi nhuận.
Đáng nói, thời gian qua, Gỗ Phú Tài đã liên tiếp dừng hoạt động nhiều nhà máy, công ty con nhằm tái cơ cấu hệ thống các đơn vị trực thuộc, dự kiến hoàn tất thủ tục trước ngày 18/5/2025.
Cụ thể, công ty đã chấm dứt hoạt động chi nhánh CTCP Phú Tài – Nhà máy chế biến gỗ Phù Cát tại lô B1-B7 CCN Cát Nhơn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Trước đó, vào ngày 11/6/2024, Phú Tài cũng đã thông báo chấm dứt hoạt động Chi nhánh Nhà máy chế biến đá Granite tại Khánh Hòa với lý do tương tự – tái cơ cấu tổ chức đơn vị thành viên.
Trong tháng 11/2023, công ty này cũng đã thông qua việc đóng cửa Xí nghiệp khai thác đá tại Đắk Nông (Chi nhánh CTCP Phú Tài số 5532/23), tiếp tục nằm trong lộ trình tái cơ cấu bộ máy hoạt động.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (HoSE: ACG) ghi nhận doanh thu trong quý I/2025 đạt 802 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 4,4%, đạt 85 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chi phí vốn tăng và doanh thu tài chính, chủ yếu từ lãi tiền gửi ngân hàng sụt giảm đáng kể.
Quý I/2025, ngành gỗ Việt Nam ghi nhận sự phân hóa rõ rệt; trong khi Phú Tài tăng trưởng nhờ tập trung hoạt động cốt lõi, thì nhiều doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.
Có thể thấy, kết thúc 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp tiêu biểu của ngành gỗ đã đạt được nhiều thành quả sản xuất kinh doanh với mức lợi nhuận nhất định trong bối cảnh toàn ngành đứng trước nhiều thách thức từ cạnh tranh thị trường đến rào cản về thuế quan, truy xuất nguồn gốc.
Trước thách thức trên, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm và thị trường để tránh rủi ro khi phụ thuộc vào một khu vực nhất định. Chuyển đổi số cũng là yêu cầu cấp thiết, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và mở rộng kênh phân phối thông qua không gian mạng. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc tiếp cận khách hàng và tối ưu hóa quy trình bán hàng.
Về lâu dài, để xuất khẩu bền vững, tránh rủi ro, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về môi trường với giá cả hợp lý để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/nganh-go-quy-i2025-loi-nhuan-rung-la-giua-rung-doanh-thu-a13477.html