
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ rõ vấn đề nổi bật của thị trường bất động sản. (Nguồn: Báo Chính phủ)
Ngày 15/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có cuộc họp với Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp bất động sản, kết nối trực tuyến với một số địa phương về tình hình thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2025.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 3/2025, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024 (hơn 1,3 triệu tỷ đồng).
Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá, nguồn cung bất động sản vấn mất cân đối về cơ cấu nguồn cung, giá tăng cao nên chưa đáp ứng được được nhu cầu nhà ở của người dân. Nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, thời gian thực hiện trình tự, thủ tục kéo dài. Một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn triển khai dự án.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu (HoREA), thị trường địa ốc có dấu hiệu phục hồi nhẹ và mới vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Tuy nhiên, giá nhà đang neo ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt. Dự kiến, đến năm 2026 - 2027 mới có thêm nguồn cung nhà ở thương mại phân khúc trung bình.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, thị trường bất động sản đang tồn tại nhiều vướng mắc kéo dài, "lúc thì đóng băng, lúc lại sốt nóng bất thường" dẫn tới biến động lớn về giá cả và gây ảnh hưởng dây chuyền tới tín dụng, tài chính. Hiện nay thị trường vẫn còn nhiều dấu hiệu bất ổn. Nhiều nghiên cứu cho thấy tốc độ tăng giá bất động sản ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, trong khi khả năng tiếp cận nhà ở của người dân ngày càng giảm. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại.
Mặc dù Chính phủ và Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu, báo cáo và đề xuất giải pháp, nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo nào rõ ràng được trình bày. Nhiều vấn đề tồn tại vẫn chưa được giải quyết. Nhiều cuộc họp, hội thảo đã được tổ chức, nhiều kết luận đã được ban hành, nhưng thực tế cho thấy chuyển biến rất chậm.
"Cuộc họp hôm nay cần nhìn nhận rõ bức tranh thị trường bất động sản hiện nay, chỉ ra những điểm sáng - điểm tối, xác định nguyên nhân từ cả phía cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp và đề xuất giải pháp cụ thể lên Quốc hội, Chính phủ", Phó Thủ tướng nói và chỉ rõ, vấn đề nổi bật của thị trường bất động sản là mất cân đối giữa cung và cầu, cơ cấu sản phẩm bất hợp lý. Nhiều doanh nghiệp thiếu tài nguyên, nguồn lực để phát triển dự án. Thị trường bất động sản cần những "liều thuốc mạnh" và thực chất hơn.
"Nếu vấn đề nằm ở đất đai thì phải xử lý đất đai; nếu là tín dụng thì phải xử lý tín dụng; nếu là thủ tục thì phải cải cách thủ tục cho thực chất; đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát để đảm bảo hoạt động kinh doanh bất động sản đi đúng hướng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhưng tốc độ tăng trưởng của thị trường bất động sản vẫn không thể so sánh với giai đoạn trước đó, kéo theo ảnh hưởng tới toàn bộ hệ sinh thái đầu tư và kinh doanh liên quan.
Cơ cấu sản phẩm bất động sản mất cân đối nghiêm trọng. Phân khúc nhà ở trung bình và nhà ở xã hội còn rất hạn chế. Việc tiếp cận nhà ở xã hội ngày càng khó khăn.
Bên cạnh nguyên nhân do giá đất, giá vật liệu xây dựng, chi phí xây dựng tăng cao, Phó Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân do quản lý chưa hiệu quả. Trình tự thủ tục hành chính, từ phê duyệt chủ trương đầu tư, thiết kế kỹ thuật, quy hoạch, định giá đất… đều còn vướng mắc.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ, chủ động rà soát toàn bộ quy trình liên quan đến phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, từ khâu quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, định giá đất, đến thiết kế, cấp phép xây dựng và bố trí nguồn tín dụng; làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh như thời gian vừa qua.
Riêng đối với thủ tục đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Tài chính được giao rà soát lại toàn bộ quy trình, tiếp tục đơn giản hóa các bước, bởi "thủ tục hành chính là điểm nghẽn lớn, cắt được bước nào thì phải cắt, và làm nghiêm túc. Thủ tục nào chưa cắt được thì chỉ rõ lý do, vướng mắc ở đâu, và kiến nghị sửa đổi ở mức nghị định hay luật".
Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu giá đất đến năm 2026, tiến tới áp dụng một giá đất (không còn chênh lệch giữa giá thực và giá kê khai) để đảm bảo minh bạch, công bằng, và làm cơ sở thực hiện chính sách thuế bất động sản minh bạch, công bằng, tăng hiệu quả thu thuế, giảm thất thu, giảm trốn thuế; xử lý hiện tượng thổi giá và đầu cơ.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm thiết lập hệ thống dữ liệu quốc gia về cung - cầu nhà ở, bất động sản, làm cơ sở dự báo và điều tiết thị trường khi có dấu hiệu lệch cung - cầu, giá bị đẩy lên bất thường thông qua quy hoạch và công bố công khai quy mô, địa điểm, thời gian triển khai các dự án bất động sản, đặc biệt là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá phù hợp, để nhà đầu tư có cơ sở chuẩn bị và người dân có thông tin minh bạch.
"Không để tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin khiến nhà đầu tư đầu cơ, thổi giá, gây rối loạn thị trường. Nhà nước không thể để đất đai hoang hóa, dự án kéo dài không triển khai và cần có chế tài mạnh như thu hồi đất, tăng thuế", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng và Bộ Công an phối hợp đánh giá nợ xấu liên quan đến bất động sản, và có giải pháp xử lý phù hợp để bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Đơn cử, đối với doanh nghiệp bất động sản không còn khả năng phục hồi thì cần tính đến phương án xử lý tài sản thế chấp, như bán lại, hoặc chuyển giao cho nhà đầu tư mới có năng lực, thậm chí chuyển thành dự án nhà ở xã hội.
Liên quan đến chính sách thuế bất động sản, Phó thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu đánh thuế đối với đất hoang hóa, dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, phải làm thấu đáo, không gây ảnh hưởng đến người dân sử dụng nhà đất hợp pháp, tránh tình trạng đánh thuế trùng, phân biệt rõ người đầu cơ với người sử dụng thật, người kinh doanh hợp pháp với người bỏ hoang, lãng phí tài nguyên.