Đại biểu Quốc hội: Việc bắt nguyên cục trưởng an toàn thực phẩm 'được nhân dân ủng hộ'

Đại biểu Phạm Văn Hòa khẳng định, việc bắt nguyên lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế ) vừa qua, được nhân dân ủng hộ, đồng tình và bày tỏ, việc xử lý những cá nhân như vậy cần làm sớm hơn, để lấy lại niềm tin của người dân.

Vẫn coi trọng tiền kiểm

Sáng 17/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm , hàng hóa.

Nêu ý kiến, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa ( Đồng Tháp ) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ với tiêu chuẩn hàng hóa của mình để phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc ứng dụng công nghệ cũng là để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm.

Ông Hòa nhận định, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trong thời gian qua đã làm tốt, nhưng vẫn có sản phẩm hàng hóa không đảm bảo chất lượng, vẫn còn nhiều hàng giả, hàng gian .

Đại biểu Quốc hội: Việc bắt nguyên cục trưởng an toàn thực phẩm 'được nhân dân ủng hộ'- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: Như Ý

Trong khi đó, ông Hòa cho rằng, dự thảo luật vẫn coi trọng khâu tiền kiểm, còn khâu hậu kiểm quan trọng lại quy định ít. Điều này có thể dẫn đến người tiêu dùng sử dụng nhầm lẫn hàng hóa.

Đặc biệt, đại biểu đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh, việc để hàng hóa kém chất lượng, hàng gian, hàng giả nhiều là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, Bộ Y tế .

Ông khẳng định, việc bắt nguyên lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế ) vừa qua được nhân dân ủng hộ, đồng tình và còn bày tỏ, việc xử lý những cá nhân như vậy là muộn, cần làm sớm hơn, để lấy lại niềm tin của người dân.

Lùm xùm vụ sữa giả là bài học

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cũng đề nghị tăng khâu hậu kiểm đối với các hàng hóa, không nên tập trung quá vào khâu tiền kiểm như trong dự thảo luật.

"Công tác hậu kiểm mới là quan trọng, những lùm xùm trong vụ sữa giả vừa qua là bài học", đại biểu cảnh báo.

Đề cập đến hàng hóa nhập khẩu, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đồng tình với việc quy định các điều kiện bắt buộc đối với hàng hóa nhập khẩu trước khi lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, nữ đại biểu đề xuất bổ sung một nội dung liên quan đến nhãn hàng hoá, vì hiện nay, chưa có quy định về kích thước chữ tối thiểu trên nhãn phụ tiếng Việt.

“Trên thực tế, nhiều sản phẩm nhập khẩu có nhãn phụ với đầy đủ thông tin, nhưng in bằng cỡ chữ rất nhỏ, không thể đọc được bằng mắt thường. Việc này gây khó khăn cho người tiêu dùng, đặc biệt là người cao tuổi trong việc tiếp cận thông tin cần thiết để sử dụng sản phẩm an toàn”, bà Nga cho hay.

Từ đó, đại biểu đoàn Hải Dương đề nghị cần có quy định về cỡ chữ tối thiểu, độ tương phản màu sắc và bố cục trình bày trên nhãn phụ, đặc biệt đối với các nhóm hàng liên quan đến sức khỏe, an toàn thực phẩm và mỹ phẩm.

Cùng với đó, để tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong thương mại điện tử, đại biểu đề nghị cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hóa vi phạm trong môi trường số, cho phép người tiêu dùng tra cứu thông tin, đồng thời hỗ trợ cơ quan chức năng cảnh báo, hậu kiểm, xử lý vi phạm trên phạm vi toàn quốc.

Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/dai-bieu-quoc-hoi-viec-bat-nguyen-cuc-truong-an-toan-thuc-pham-duoc-nhan-dan-ung-ho-a13505.html