Chính phủ đề xuất chuyển tiếp cơ chế đặc thù tại 5 thành phố lớn sau sáp nhập

Chính phủ khẳng định, việc duy trì các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương đang áp dụng, sau khi sáp nhập và sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) 2 cấp sẽ tạo điều kiện để tạo động lực tăng trưởng mới, sức bật cho các địa phương.

Lý do cần chuyển tiếp cơ chế đặc thù

Sáng 19/5, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế đặc thù tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Nghị quyết 60/2025 của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã quyết nghị chính quyền địa phương sẽ tổ chức theo 2 cấp, kết thúc hoạt động của cấp huyện. Sau sáp nhập, số lượng đơn vị hành chính (ĐVHC) giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành.

Đến nay, cả nước có 10 địa phương, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột , TP HCM và Cần Thơ đang được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo các luật, nghị quyết riêng của Quốc hội.

Chính phủ đề xuất chuyển tiếp cơ chế đặc thù tại 5 thành phố lớn sau sáp nhập- Ảnh 1.

Một góc thành phố Hải Phòng (Ảnh: Hồng Phong)

Trong đó, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk (liên quan đến TP Buôn Ma Thuột), TP HCM và Cần Thơ sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tổ chức lại chính quyền địa phương theo 2 cấp .

Việc sáp nhập cấp tỉnh, kết thúc hoạt động cấp huyện sẽ dẫn tới thay đổi về ranh giới địa lý, phạm vi quản lý cũng như quy mô dân số, địa vị pháp lý của các địa phương.

“Do đó, cần có quy định chuyển tiếp việc tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đang được thực hiện tại các địa phương thuộc diện sắp xếp” – Chính phủ cho hay.

Theo Chính phủ, các cơ chế, chính sách đặc thù được xây dựng gắn liền với vị thế, vai trò và những đặc điểm riêng biệt của từng địa phương hoặc khu vực đô thị lõi.

Tạo động lực tăng trưởng mới

Đáng chú ý, Hải Phòng là thành phố cảng, công nghiệp, dịch vụ logistics. Trong khi đó, Đà Nẵng là trung tâm du lịch, dịch vụ, công nghệ cao. Khánh Hòa chú trọng phát triển kinh tế biển, du lịch biển. Còn TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước và Cần Thơ là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL.

“Việc duy trì các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương đang áp dụng, sau khi sáp nhập và sắp xếp ĐVHC 2 cấp sẽ tạo điều kiện để tạo động lực tăng trưởng mới, sức bật cho các địa phương” – Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép các địa phương sau sáp nhập , gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM và Cần Thơ được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trước đây.

Cùng với đó, các xã, phường mới tương ứng tại địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sau sắp xếp cấp xã tiếp tục được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi - cho rằng, việc cho phép chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, đặc thù tại địa phương sau sắp xếp không chỉ đơn thuần là mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế, mà còn liên quan đến nhiều mặt về kinh tế, ngân sách.

Từ đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá tác động chính sách bảo đảm giữ nguyên tắc cân đối thu chi theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước.

Cũng có ý kiến đề nghị với các thành phố áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù sáp nhập vào các tỉnh, cần xác định lại tỷ lệ điều tiết để hạch toán, phân chia ngân sách trung ương - địa phương.

Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/chinh-phu-de-xuat-chuyen-tiep-co-che-dac-thu-tai-5-thanh-pho-lon-sau-sap-nhap-a13772.html