Quỹ đầu tư: Thuốc “giảm đau” cho nhà đầu tư ít kinh nghiệm

Quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ mở được kỳ vọng trở thành “bệ đỡ” cho nhà đầu tư cá nhân, giữa thị trường thiếu thông tin và việc đầu tư bị chi phối bởi cảm xúc.

Tâm lý thích "giữ tiền trong tay"

Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân tại thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức rất cao – gần như đảo ngược so với các nước phát triển. Nếu tại Mỹ hay các nước châu Âu, nhà đầu tư tổ chức chiếm khoảng 70%, thì tại Việt Nam, con số này là ngược lại. Thị trường bị dẫn dắt phần lớn bởi tâm lý đám đông, tin đồn và thiếu sự định hướng chuyên nghiệp.

Trong bối cảnh đó, các quỹ đầu tư – đặc biệt là quỹ mở – được kỳ vọng trở thành một kênh đầu tư lành mạnh, giúp nhà đầu tư cá nhân tiếp cận thông tin, quản lý rủi ro và giảm thiểu ảnh hưởng từ tâm lý ngắn hạn.

Thị trường Việt Nam hiện ghi nhận 118 quỹ đầu tư chứng khoán, tăng 11 quỹ so với cuối năm 2023. Trong đó, có 64 quỹ mở, 34 quỹ thành viên, 16 quỹ ETF, 3 quỹ đóng và 1 quỹ bất động sản.

Nhìn vào thực tế, mặc dù số lượng và quy mô các quỹ đầu tư tăng trưởng, nhưng tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia vẫn còn hạn chế.

Quỹ đầu tư: Thuốc “giảm đau” cho nhà đầu tư ít kinh nghiệm- Ảnh 1.

Tại Việt Nam, mặc dù số lượng và quy mô các quỹ đầu tư tăng trưởng, nhưng tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia vẫn còn hạn chế.

Ông Nguyễn Tùng Anh - Giám đốc nghiên cứu rủi ro tín dụng tại FiinRatings, cho biết có nhiều nguyên nhân khiến quy mô và cơ cấu quỹ đầu tư ở Việt Nam còn hạn chế so với các nước trong khu vực.

Một trong những nguyên nhân nổi bật là người Việt có xu hướng muốn tự quản lý tài sản thay vì ủy thác cho các định chế tài chính chuyên nghiệp. Tâm lý "giữ tiền trong tay cho chắc" này xuất phát từ cả yếu tố văn hóa, lịch sử tài chính và sự thiếu tin tưởng vào các tổ chức trung gian.

Không ít nhà đầu tư cá nhân tin rằng giữ tiền trong tay mới an toàn, ngần ngại giao phó cho các tổ chức trung gian, do thiếu niềm tin cũng như hiểu biết về lợi ích dài hạn của việc ủy thác đầu tư cho các định chế chuyên nghiệp.

Không chỉ vậy, ông Tùng Anh cũng chỉ ra rằng các chính sách hỗ trợ hiện nay chưa thực sự tạo động lực cho người dân đầu tư qua quỹ, thiếu cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, trong khi khung pháp lý chưa hoàn thiện và chậm cập nhật.

Trong khi các thị trường phát triển đã đa dạng hóa nhiều mô hình quỹ – từ quỹ hưu trí, quỹ ETF, quỹ đóng đến quỹ mở – thì tại Việt Nam, quỹ mở hiện vẫn là hình thức phổ biến nhất, nhưng tỉ lệ tham gia của người dân còn thấp so với tiềm năng.

Quỹ đầu tư là giải pháp nhưng không thay thế kiến thức

Theo ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm Phân tích thị trường, Chứng khoán BIDV (BSC), cấu trúc thị trường Việt Nam hiện tại với khoảng 70% nhà đầu tư cá nhân đang tạo ra đặc trưng rất khác so với các nước.

"Thị trường của chúng ta vận hành theo kiểu rất cảm xúc, dễ bị chi phối bởi tin đồn và thiếu thông tin chuẩn xác. Quá trình tiếp cận thông tin ở Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản. 

Khi thiếu thông tin chính thống, nhà đầu tư thường hành động theo cảm tính. Có rất nhiều trường hợp bán tháo theo tin đồn rồi sau đó mới nhận ra mình bị ‘hố’, dẫn đến thiệt hại không nhỏ khi thị trường hồi phục" ông Khoa nói.

Quỹ đầu tư: Thuốc “giảm đau” cho nhà đầu tư ít kinh nghiệm- Ảnh 2.

Ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm Phân tích thị trường, Chứng khoán BIDV (BSC).

Theo ông, giải pháp cho nhà đầu tư bao gồm: Hoặc nhà đầu tư tự trang bị kiến thức để chủ động đầu tư, hoặc thông qua các tổ chức trung gian như quỹ đầu tư, nơi có đội ngũ chuyên gia vận hành theo nguyên tắc quản trị rủi ro và phân bổ danh mục hợp lý.

"Các quỹ đầu tư không chỉ cung cấp kênh tiếp cận thông tin chuyên sâu, mà còn giúp giảm thiểu hành vi mua bán theo cảm xúc. Đặc biệt là quỹ mở – linh hoạt, minh bạch và phù hợp với dòng tiền nhỏ, ổn định – rất phù hợp với nhóm nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm".

Cả hai chuyên gia đều đồng tình rằng, trong giai đoạn hiện tại, quỹ đầu tư – đặc biệt là quỹ mở – có thể là một công cụ hiệu quả để trung hòa rủi ro, dẫn dắt nhà đầu tư cá nhân tiếp cận với cách đầu tư chuyên nghiệp hơn, đây là mô hình có khả năng "giảm đau" cho những nhà đầu tư chưa đủ kinh nghiệm, và là một bước đệm hợp lý trước khi họ đủ tự tin để tự đầu tư trực tiếp.

Tuy nhiên, ông Bùi Nguyên Khoa nhấn mạnh: "Không nên coi quỹ là giải pháp thay thế hoàn toàn cho việc tự học. Quỹ chỉ là công cụ hỗ trợ. Việc tự tìm hiểu kiến thức và xây dựng kế hoạch tài chính vẫn là điều cốt lõi. 

Tùy vào dòng tiền, thời gian và khả năng chịu rủi ro, nhà đầu tư có thể lựa chọn tự đầu tư hay thông qua quỹ. Nhưng hiểu rõ mình đang đầu tư vào đâu là điều không thể bỏ qua".

Quỹ đầu tư cần thêm nền tảng để phát triển

Theo cả 2 vị chuyên gia, rào cản để quỹ đầu tư trở thành kênh dẫn vốn phổ biến không chỉ đến từ tâm lý nhà đầu tư cá nhân, mà còn nằm ở chính bản thân hệ sinh thái quỹ – từ năng lực vận hành, tính minh bạch, hiệu quả truyền thông cho tới khung chính sách hỗ trợ.

Ông Nguyễn Tùng Anh đã chỉ ra một loạt yếu tố nền tảng còn thiếu hụt, từ việc chưa có ưu đãi thuế đủ hấp dẫn, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư cá nhân còn yếu, đến năng lực quản lý hạn chế và quy mô quỹ còn nhỏ. Những lỗ hổng này khiến các quỹ khó tạo dựng niềm tin và khó cạnh tranh với các kênh đầu tư truyền thống như gửi tiết kiệm hay đầu tư cá nhân trực tiếp.

Mở đường cho quỹ đầu tư tư nhân rót vốn vào công nghệ mới nổi tại Việt NamCảnh báo tham gia đầu tư chứng khoán trái phép qua quỹ đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sảnHSBC: Thị trường chứng khoán Việt Nam lọt tầm ngắm của nhiều quỹ đầu tư

Ở chiều ngược lại, ông Bùi Nguyên Khoa cho thấy một góc nhìn tích cực hơn – khi ngày càng nhiều quỹ mở chủ động cải thiện chất lượng dịch vụ, công khai thông tin đầu tư, và tương tác rõ ràng hơn với nhà đầu tư. 

Một số quỹ đầu tư trong nước đã xây dựng được lịch sử hiệu quả hoạt động ổn định, là minh chứng giúp dần thuyết phục thị trường rằng việc ủy thác cho các tổ chức chuyên nghiệp là lựa chọn an toàn và hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động và tâm lý đầu tư còn dễ bị chi phối bởi tin đồn.

Tuy nhiên, để quỹ đầu tư thực sự trở thành lựa chọn thay thế đáng tin cậy cho nhà đầu tư cá nhân, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ ba phía: chính bản thân nhà đầu tư cần nâng cao hiểu biết và dần từ bỏ thói quen đầu tư cảm tính; các công ty quản lý quỹ cần nâng cấp chuyên môn, tăng cường minh bạch và xây dựng niềm tin dài hạn; và cuối cùng, cơ quan quản lý cần hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ chính sách và tạo điều kiện cho các mô hình quỹ mới phát triển.

Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/quy-dau-tu-thuoc-giam-dau-cho-nha-dau-tu-it-kinh-nghiem-a13886.html