Gấp rút chấm dứt thuế khoán hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh có doanh thu lớn sẽ chuyển sang nộp thuế theo doanh thu thực tế từ ngày 1-6.

Theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP về hóa đơn điện tử, từ ngày 1-6, các hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm thuộc 6 ngành nghề sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, thay vì nộp thuế khoán như hiện nay.

Minh bạch thông tin

Quy định trên được xem là một trong những chủ trương lớn của nhà nước trong việc hiện đại hóa công tác quản lý thuế, hướng đến công bằng và minh bạch trong nghĩa vụ nộp thuế của các đối tượng kinh doanh. 

Ông Lê Minh Tâm - chủ một hộ kinh doanh dệt may tại quận 5, TP HCM - nhận định việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp xác định doanh thu thực tế, từ đó tính thuế chính xác hơn. 

Theo ông, trước đây, thuế khoán thường được ấn định dựa trên cảm tính của hội đồng xét duyệt, gồm cán bộ thuế, ban quản lý chợ và chính quyền địa phương. 

Điều này dẫn đến thực trạng là các hộ kinh doanh có doanh thu khác nhau nhưng lại đóng cùng một mức thuế, gây ra sự bất công. Chính vì vậy, việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ tạo điều kiện để cơ quan thuế theo dõi sát sao doanh thu thực tế, đồng thời bảo đảm công bằng hơn trong việc tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Gấp rút chấm dứt thuế khoán hộ kinh doanh- Ảnh 1.

Một hộ kinh doanh ở chợ Bến Thành, quận 1, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Không chỉ ông Tâm, nhiều hộ kinh doanh tại các khu vực chợ Phú Nhuận, Tân Định (TP HCM) và các hộ bán hàng online cũng đồng tình với chủ trương này. Theo họ, việc chuyển đổi sang hình thức nộp thuế theo doanh thu thực tế là cần thiết, phù hợp với xu hướng hiện đại hóa và minh bạch hóa công tác thuế.

Một ví dụ điển hình là ông Điệp Minh Sơn, chủ gian hàng "Vua tôm khô đặc sản Cà Mau" trên TikTok Shop, cho biết ông đang đăng ký mô hình hộ kinh doanh và đóng thuế 1,5% trên doanh thu. Vào tháng Tết, doanh thu của cửa hàng khoảng 1 - 2 tỉ đồng; các tháng bình thường dao động từ 200 - 400 triệu đồng. Tất cả giao dịch đều được ghi nhận trên hệ thống của TikTok Shop, nhờ đó, việc kê khai và nộp thuế của ông trở nên đơn giản hơn.

Chia sẻ thêm, ông Sơn cho rằng việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ gây khó khăn chủ yếu cho những hộ kinh doanh bán hàng trực tiếp và thu tiền mặt, trong khi những người đã quen với môi trường số thì không quá lo ngại. Ngoài ra, do chỉ bán hàng trên một sàn thương mại điện tử nên ông cảm thấy yên tâm vì nguồn thu được minh bạch và dễ theo dõi.

Còn nhiều vướng mắc

Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp thuận lợi, không ít hộ kinh doanh đang gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi. Một trong những rào cản lớn nhất là sự thiếu hụt kiến thức về công nghệ và kỹ năng kê khai thuế. 

Nhiều hộ kinh doanh chưa quen với việc sử dụng máy tính tiền để xuất hóa đơn điện tử hoặc không có thói quen lưu trữ hóa đơn đầu vào khi mua hàng, khiến họ gặp khó khăn trong việc cân đối giữa hóa đơn đầu ra và đầu vào - một yếu tố quan trọng trong quá trình nộp thuế chính xác.

Trường hợp của anh Nguyễn Văn Phúc (40 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM), vừa đăng ký hộ kinh doanh thực phẩm hồi tháng trước, là một ví dụ cụ thể. Công việc chính của anh là mua thực phẩm từ chợ đầu mối rồi bán lại cho người quen trong khu vực sinh sống, doanh thu mỗi tháng chỉ khoảng 30 triệu đồng. "Vợ chồng tôi làm thêm để lấy công làm lời, không thuê nhân viên, không biết về kế toán, cũng không dùng phần mềm quản lý. Tất cả hoạt động bán hàng đều được ghi chép vào sổ" - anh Phúc chia sẻ.

Khi mới đăng ký kinh doanh, anh được hướng dẫn nộp thuế khoán theo quý, không cần kê khai phức tạp. Tuy nhiên, mới đây, anh nhận được thông báo từ cơ quan thuế từ ngày 1-6-2025 sẽ chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo mô hình từ máy tính tiền. "Tôi nghe nói phải dùng phần mềm bán hàng, chữ ký số, máy tính tiền… mà khách tôi toàn là người quen, mua vài chục ngàn đồng, không ai yêu cầu hóa đơn cả. Tôi không rành công nghệ, chưa quen quy trình, lỡ làm sai còn bị phạt nên chưa biết xoay xở ra sao" - anh Phúc không giấu được sự lo lắng.

Ngành thuế đẩy mạnh hỗ trợ

Những trường hợp như anh Phúc là thực tế phổ biến của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, còn thiếu kiến thức và phương tiện để thích nghi với hình thức quản lý thuế mới. Trước những khó khăn đó, ngành thuế đã có nhiều động thái nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh trong quá trình chuyển đổi. Ông Phạm Tuấn Anh - Đội phó Đội Thuế quận 3 (Chi cục Thuế khu vực II), cho biết các đội thuế trên địa bàn đang tích cực phối hợp với các đơn vị cung cấp giải pháp kỹ thuật để hướng dẫn hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử. Tại quận 3, khoảng 300 hộ có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm đã được tập huấn trong 3 ngày để chuẩn bị triển khai thực hiện Nghị định 70.

Theo ông Tuấn Anh, việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp ngành thuế xác định chính xác doanh thu, từ đó tính đúng mức thuế phải nộp, góp phần bảo đảm nguồn thu ngân sách. Đây cũng là một phần trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, với mục tiêu xóa bỏ thuế khoán vào năm 2026.

Hiện nay, theo Chi cục Thuế khu vực II, TP HCM có khoảng 200.000 hộ kinh doanh, trong đó 13.000 hộ có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm thuộc 6 ngành nghề quy định tại Nghị định 70. Những hộ này sẽ bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1-6-2025, thay vì tiếp tục áp dụng hình thức nộp thuế khoán như trước.

Ông Nguyễn Nam Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực II, nhấn mạnh Chính phủ đang định hướng chuyển đổi chính sách thuế cho hộ kinh doanh từ hình thức thuế khoán sang tự kê khai và tự nộp thuế. Đây được xem là bước đi chiến lược, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và nâng cao hiệu quả quản lý thuế. 

"Nghị định 70 là bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa ngành thuế, đặc biệt là với việc mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Đây sẽ là chìa khóa để quản lý thuế hiệu quả và tạo thuận lợi cho người nộp thuế" - ông Bình khẳng định.

Theo bà Trần Thị Cẩm Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn Thuế VIFATAX, Hội Tư vấn và Đại lý Thuế TP HCM (HTCAA) đang phối hợp với cơ quan thuế tổ chức các buổi hướng dẫn "cầm tay chỉ việc" cho hộ kinh doanh, từ thao tác kê khai cho đến sử dụng máy tính tiền và phần mềm hóa đơn điện tử.

Về vấn đề hàng tồn kho, vốn là nỗi lo chung của nhiều hộ kinh doanh lâu năm, bà Hồng đề xuất cơ quan thuế công nhận số hàng tồn kho hiện tại là hợp lệ để hộ có thể xuất hóa đơn khi bán hàng. Đồng thời, bà khuyến nghị các hộ cần lấy hóa đơn đầu vào khi mua hàng để cân đối với hóa đơn đầu ra. "VIFATAX cam kết hỗ trợ miễn phí việc kê khai trong 3 tháng đầu để giúp hộ kinh doanh làm quen với quy trình mới" - bà Hồng nói. 

Đã có biện pháp chế tài

Lãnh đạo Chi cục Thuế khu vực II cho biết nếu hộ kinh doanh đã được hỗ trợ và thông báo rõ ràng về việc chuyển đổi từ thuế khoán sang sử dụng hóa đơn điện tử nhưng vẫn không thực hiện, thì sẽ bị xem là vi phạm quy định về sử dụng hóa đơn. Trong trường hợp đó, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật.


Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/gap-rut-cham-dut-thue-khoan-ho-kinh-doanh-a14147.html