Hãy "vi hành" để xem cán bộ, công chức đang đối xử với người dân, doanh nghiệp như thế nào

Đây là đề nghị của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa trước hiện tượng "trên nóng dưới lạnh", "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng có 2 khó khăn mà chúng ta cần giải quyết.

Hãy "vi hành" để xem cán bộ, công chức đang đối xử với người dân, doanh nghiệp như thế nào- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Phạm Thắng

Thứ nhất, về thuế quan của Mỹ, chúng ta không thể dự đoán được, dù chúng ta đã đàm phán nhưng hôm nay vẫn chưa công bố kết quả. Theo ông Nghĩa, đây là khó khăn, thách thức thực sự và cả hệ thống chính trị buộc phải nỗ lực để vượt qua.

Khó khăn thứ hai là vấn đề tinh giản bộ máy. Đây là tình hình cấp bách, Nghị quyết của Đảng đã đề ra, nhân dân, cử tri rất đồng tình, ủng hộ, nhưng cũng đặt ra một số khó khăn không nhỏ vì nó liên quan tới con người.

Vấn đề về điểm nghẽn thể chế, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, Tổng Bí thư Tô Lâm từng phát biểu điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế và các nghị quyết của Đảng cũng đã nêu rõ. Thế nhưng suốt thời gian qua, chúng ta chưa cải cách được đúng theo tinh thần đó.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết cử tri rất quan tâm về vấn đề thể chế, các doanh nghiệp cũng góp ý, có hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Đó là khi chúng ta học nghị quyết, nghe các lãnh đạo phát biểu, dự các cuộc họp thì rất hào hứng, phấn khởi, niềm tin tăng lên rất nhiều. Nhưng khi đi đến quy định cụ thể thì lại vướng.

"Hàng ngàn giấy phép con, hàng ngàn thủ tục vẫn tiếp tục được "mọc" lên, được đặt ra. Bước vào một dự án, công việc làm ăn nào đó thì đụng ngay hàng loạt quy định. Kể cả trong đời sống người dân cũng vậy" - ĐB Nghĩa nói. 

Hiện tượng thứ hai là "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết dự cuộc họp với Thủ tướng xong, các tập đoàn, các doanh nghiệp rất hào hứng, phấn khởi. Nhưng bắt đầu về địa phương bắt tay vào giải quyết những vấn đề làm ăn cụ thể thì họ lại gặp một bộ phận cán bộ, công chức không có sự ủng hộ nhiệt tình như vậy.

Theo ĐB Nghĩa, hai hiện tượng này là vấn đề thể chế chúng ta đang mắc phải. "Bên cạnh việc chưa có đủ thể chế, mặt khác - dù có thể chế rồi cũng không thực hiện được" - ông nói.

Sắp tới đây chúng ta thực hiện các Nghị quyết chiến lược của Trung ương, ĐB Trương Trọng Nghĩa lưu ý một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ là việc thực hiện phải xuyên suốt tới cấp xã. "Không thể để thông trên trung ương, trên tỉnh nhưng tới xã lại tắc. Hoặc Trung ương thông thoáng, nhưng xuống tới cấp bộ có được xuyên suốt như vậy không?" - ông nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa ví dụ người dân đi xin sửa chữa nhà và đi lên xã xin chứng nhận không tranh chấp với ai "mà nhiều khi người dân phải mất phong bì mấy ông xã mới chứng".

Vì vậy, ĐB cho rằng việc thực hiện thể chế cũng quan trọng không kém gì việc chúng ta cải cách thể chế. 

"Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải đi "vi hành" để xem cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính đối xử với người dân, doanh nghiệp như thế nào"- ĐB Nghĩa nói. 

Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/hay-vi-hanh-de-xem-can-bo-cong-chuc-dang-doi-xu-voi-nguoi-dan-doanh-nghiep-nhu-the-nao-a14546.html