Nhiều nước hạ dự báo tăng trưởng, Việt Nam khẳng định dám đi ngược xu hướng, sẽ có giải pháp đặc biệt

Mới đây, thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ quyết tâm tăng trưởng kinh tế cao trong khi thế giới hạ dự báo tăng trưởng.

Nhiều nước hạ dự báo tăng trưởng, Việt Nam khẳng định dám đi ngược xu hướng, sẽ có giải pháp đặc biệt- Ảnh 1.

Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số điểm. Theo đó, trong bối cảnh rất khó khăn của thế giới, nhiều nước, khu vực đều dự báo tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với năm ngoái và so với đầu năm; nhưng Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn so với dự kiến ban đầu, phấn đấu đạt từ 8% trong năm 2025 và đạt 2 con số trong những năm tới.

Như vậy, chúng ta đi ngược xu thế thế giới về mục tiêu tăng trưởng, phải làm thế nào để hiệu quả và thành công, Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết, chúng ta đang tiến hành tích cực 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực.

Trong đó, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, là đột phá của đột phá, là động lực, là nguồn lực phát triển. Chúng ta quyết tâm trong năm 2025 cơ bản tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế và từ đó biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh. Thủ tướng đề nghị Quốc hội ủng hộ mạnh mẽ điều này.

Thứ hai, đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng, đây hiện cũng là điểm nghẽn vì chi phí logistics chiếm từ 17-18% GDP, so với thế giới khoảng 10-11%, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Thủ tướng cho biết đang tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là cả 5 phương thức giao thông.

Trong đó, về đường bộ, hoàn thành ít nhất 3.000 km cao tốc và 1.000 km đường ven biển trong năm nay. Về đường sắt, triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến kết nối với Trung Quốc, từ đó mở ra kết nối quốc tế với Trung Á, châu Âu, các tuyến đường sắt đô thị, nâng cấp đường sắt hiện có.

Về đường thủy nội địa, tập trung phát triển tại ĐBSCL là nơi có lợi thế về lĩnh vực này. Về hàng không, xây dựng, mở rộng, nâng cấp các sân bay mang tính chiến lược có thể đón các máy bay lớn nhất, phát triển đội bay, phát triển nhiều hãng hàng không để tạo cạnh tranh có lợi cho người dân. Về đường biển, xây dựng các cảng biển lớn như Lạch Huyện, Cái Mép-Thị Vải, Cần Giờ, Hòn Khoai… có thể tiếp nhận tàu lớn.

Đồng thời, phát triển đồng bộ hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, xã hội…, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu…

Thủ tướng: "Trong điều kiện đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt"

Thứ ba, trong đột phá nhân lực, Thủ tướng cho biết chuyển từ đào tạo kiến thức là chính sang đào tạo cả kỹ năng toàn diện, đào tạo nhân lực đẳng cấp quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, từ đó tăng năng suất lao động.

"Trong điều kiện khó khăn, các nước đều hạ tăng trưởng nhưng chúng ta lại dám đi ngược lại. Trong điều kiện đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, các ngành các cấp phải đoàn kết, đồng lòng để làm, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, phân công công việc 6 rõ "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền". Chỉ có như vậy mới đạt được mục tiêu đề ra về tăng trưởng, về 2 mục tiêu 100 năm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tháng 4/2025, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP thực tế của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 5,8% trong năm 2025.

WB dự đoán triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vẫn khả quan, với ước tính GDP tăng trở lại mức 6,1% năm 2026 và 6,4% năm 2027. Để hiện thực hóa tiềm năng này, Việt Nam cần một môi trường kinh tế quốc tế ổn định hơn, song song với các nỗ lực cải cách trong nước nhằm nâng cao năng suất, đầu tư vào vốn con người và xanh hóa nền kinh tế.

Còn vào đầu tháng 4, báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 6,6% trong năm 2025 và đạt 6,5% vào năm 2026, sau mức tăng mạnh 7,1% trong năm 2024.

Báo cáo nhận định rằng căng thẳng thương mại toàn cầu có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay. Dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1/2025 đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng ADB dự báo mức tăng trưởng thương mại hàng hóa sẽ chậm lại còn khoảng 7% trong cả năm 2025 và 2026.

Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/nhieu-nuoc-ha-du-bao-tang-truong-viet-nam-khang-dinh-dam-di-nguoc-xu-huong-se-co-giai-phap-dac-biet-a14747.html