
Đóng cửa phiên giao dịch 30/6/2025 vừa qua, chỉ số VN-Index đạt 1376,07 điểm, tăng gần 110 điểm (+8,63%) so với đầu năm. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán cũng có xu thế tăng giá nhiều hơn so với giảm giá.
Theo thống kê, có 20/27 ngân hàng gia tăng giá trị vốn hóa sau 6 tháng đầu năm, trong khi có 7 ngân hàng suy giảm.
Đứng ở vị trí top 1 vẫn là Vietcombank với khoảng cách rất xa so với phần còn lại. Tuy nhiên, vốn hóa Vietcombank đã giảm tới 6,6% trong nửa đầu năm nay, xuống chỉ còn 476 nghìn tỷ đồng, đi ngược lại thị trường.
Vị trí top 2 của BIDV cũng không thay đổi, nhưng giống với Vietcombank, BIDV cũng là ngân hàng bị giảm vốn hóa, dù mức giảm chỉ 1,6%.
4 vị trí tiếp theo đều có sự xáo trộn. Trong đó VietinBank dù vốn hóa tăng gần 11% nhưng lại tụt 1 bậc từ #3 xuống #4. Nguyên nhân là do Techcombank bứt phá mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay, vốn hóa tăng tới gần 40%, lên 242 nghìn tỷ đồng. Giá trị của Techcombank tăng mạnh ngay sau khi Chủ tịch Hồ Hùng Anh tuyên bố muốn vốn hóa ngân hàng lên tới 20 tỷ USD.
MB tăng 18% vốn hóa, tăng 1 bậc lên #5 và đẩy VPBank xuống #6 khi ngân hàng này giảm 3,6%.
ACB của Chủ tịch Trần Hùng Huy cũng là 1 trong số 7 ngân hàng giảm vốn hóa, nhưng vẫn giữ được vị trí thứ 7.

Ở nhóm giữa của bảng xếp hạng, Sacombank và SHB là 2 ngân hàng tăng mạnh nhất, tương ứng 26,6% và 40% và cùng thăng hạng.
Chiều ngược lại, HDBank, VIB và TPBank là 3 ngân hàng còn lại trong nhóm giảm vốn hóa.
Ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ, tất cả đều tăng vốn hóa. Trong đó, VietABank và KienlongBank là 2 ngân hàng tăng mạnh nhất, lên tới 62% và 52%.

Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, các ngân hàng thương mại đã nâng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm nay lên mức 16,8%, cao hơn so với tốc độ thực tế của năm 2024 và mục tiêu 16% NHNN đặt ra trong năm 2025.
Tính đến ngày 18/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đã đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024, trong khi cùng kỳ năm ngoái, mức tăng chỉ khoảng 3,87%.
Cùng với đó, kỳ vọng về tăng trưởng huy động vốn cũng được điều chỉnh tăng lên 13,9%. Nếu đạt được, đây sẽ là mức cao nhất trong 5 năm trở lại.
Các tổ chức tín dụng dự báo, trong quý 3/2025, huy động vốn toàn hệ thống sẽ tăng trung bình 4% (trong đó huy động bằng VND tăng 4,4% và huy động ngoại tệ tăng 2,5%), còn dư nợ tín dụng dự kiến tăng 4,7% (VND tăng 4,7% và ngoại tệ tăng 4,8%).