Các "ông lớn" lần lượt đề xuất làm metro nghìn tỷ tại TP.HCM

TP.HCM ban hành kế hoạch đầu tư 355 km đường sắt đô thị từ nay đến năm 2035 theo Nghị quyết 188 của Quốc hội, một làn sóng đề xuất từ khối tư nhân đang ghi dấu ấn mạnh mẽ, từ Vingroup, Sovico đến Thaco đều có đề xuất tham gia các dự án metro quy mô lớn tại TP.HCM.

UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch đầu tư 355 km metro từ nay đến năm 2035 theo Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM và Hà Nội.

Thành phố xác định 7 nhóm công việc trọng tâm gồm: xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; huy động vốn; làm thủ tục chuẩn bị đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực; chọn vật liệu và bãi đổ thải.

Thaco đề xuất làm metro số 2 và đường sắt đi sân bay Long Thành

Theo PLTP, Thaco vừa đề xuất UBND TP.HCM được nghiên cứu, đầu tư tuyến metro số 2 (đoạn Tham Lương - Bến Thành; Bến Thành - Thủ Thiêm) và tuyến Thủ Thiêm - Long Thành. Doanh nghiệp kiến nghị UBND TP cho phép doanh nghiệp được nghiên cứu đầu tư các dự án nêu trên theo hình thức tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình) hoặc đầu tư trực tiếp theo quy định của Luật Đầu tư.

Các "ông lớn" lần lượt đề xuất làm metro nghìn tỷ tại TP.HCM- Ảnh 1.

Mạng lưới đường sắt của TP.HCM. Ảnh: Sở Xây dựng TP.HCM.

Thaco cũng kiến nghị cho phép triển khai nghiên cứu song song trong thời gian không quá 3 tháng (kể từ thời điểm được TP.HCM chấp thuận giao nghiên cứu) để xây dựng phương án tổng thể, bao gồm việc lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp (đầu tư công hoặc đầu tư trực tiếp). Đồng thời, đề xuất các giải pháp tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả khai thác đầu tư.

Tập đoàn cam kết toàn bộ quá trình nghiên cứu sẽ được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, không làm ảnh hưởng đến tiến độ khởi công tuyến metro số 2 vào cuối năm này và đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành vào quý 4/2026 theo kế hoạch của TP.HCM.

Sau khi hoàn tất nghiên cứu, nếu không được lựa chọn làm nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ bàn giao toàn bộ kết quả nghiên cứu cho thành phố và không yêu cầu hoàn trả bất kỳ chi phí nào.

Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài khoảng 42 km (qua TP.HCM 11,7 km và Đồng Nai 30,2 km) với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD. Tuyến này có ý nghĩa chiến lược trong việc kết nối hai sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành.

Đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm dài 6 km là một phần thuộc toàn tuyến metro số 2 (Củ Chi - Quốc lộ 22 - An Sương - Bến Thành - Thủ Thiêm). Riêng đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm được thiết kế đi ngầm toàn bộ, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD.

Vingroup muốn làm đường sắt đô thị TP.HCM - Cần Giờ

Trước đó, vào đầu tháng 5/2025, UBND TP đã có văn bản chấp thuận việc Tập đoàn Vingroup nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án tuyến đường sắt đô thị TP.HCM - Cần Giờ theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, Vingroup chịu trách nhiệm tự cân đối kinh phí để nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án, không sử dụng ngân sách TP.

Tuyến đường sắt kết nối từ trung tâm đi Cần Giờ có chiều dài khoảng 48,7km. Dự án bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao với đường Nguyễn Thị Thập và đường Lý Phục Man, quận 7) - Nguyễn Lương Bằng - Rừng Sác và điểm cuối nằm tại khu đất 39ha tiếp giáp dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Sovico đề xuất đầu tư metro số 4 của TP.HCM

Trong khi đó, Tập đoàn Sovico (cổ đông sáng lập Vietjet Air) đề xuất nghiên cứu đầu tư tuyến metro số 4 dài hơn 47 km từ huyện Hóc Môn đến Khu đô thị Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.

Các "ông lớn" lần lượt đề xuất làm metro nghìn tỷ tại TP.HCM- Ảnh 2.

Tuyến metro số 1 TP.HCM đã vận hành

Doanh nghiệp này đề xuất nghiên cứu đầu tư tuyến tàu điện số 4 với hướng tuyến: Đông Thạnh (Hóc Môn) - Thạnh Xuân - Hà Huy Giáp - Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm - nhà ga T1, T2 Tân Sơn Nhất - Trường Sơn - Nguyễn Văn Trỗi - kênh Nhiêu Lộc - Hai Bà Trưng - Pasteur - Bến Thành - Nguyễn Thái Học - Tôn Đản - Nguyễn Hữu Thọ.

Sau khi qua khỏi nút giao Vành đai 3 TP HCM, tuyến theo đường mở mới - Khu đô thị Hiệp Phước (Nhà Bè).

Tổng chiều dài tuyến khoảng 47,3 km, trong đó hơn 25 km đi ngầm, gần 22 km trên cao. Toàn tuyến có 37 ga (21 ga ngầm, 16 ga trên cao), cùng một depot ở Đông Thạnh và một depot tại Hiệp Phước.

Ngoài các doanh nghiệp nói trên, liên danh Tập đoàn Đại Dũng, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) và Tập đoàn Hòa Phát (gọi tắt là Liên danh DCH) cũng có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất được tham gia với vai trò là tổng thầu EPC (thiết kế, thi công xây lắp, cung cấp thiết bị) cho các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Thành phố.

Liên danh DCH bày tỏ mong muốn được nghiên cứu và triển khai đầu tư 3 tuyến đường sắt trọng điểm gồm: tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến TP. mới Bình Dương - Suối Tiên.

Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/cac-ong-lon-lan-luot-de-xuat-lam-metro-nghin-ty-tai-tphcm-a21463.html