Hà nội dừng xe máy xăng trong vành đai 1 từ 1/7/2026: Người dân đi bằng gì?

Thủ tướng lưu ý Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1.

.t1 { text-align: justify; }

Nhiệm vụ cấp bách

Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/7 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với UBND thành phố Hà Nội trong việc tập trung chỉ đạo, triển khai ngay một số giải pháp trọng tâm với lộ trình cụ thể.

Hà nội dừng xe máy xăng trong vành đai 1 từ 1/7/2026: Người dân đi bằng gì?- Ảnh 1.

Cụ thể, chỉ thị yêu cầu Hà Nội lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp (trong quý III/2025) và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp.

Đồng thời, cân đối, bố trí ngân sách địa phương, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa và có lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2030 để tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng trên các tuyến, kết nối địa bàn trọng điểm, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện.

Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 188 của Quốc hội.

Hà Nội cũng được giao ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch trong thực hiện chuyển đổi xanh; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng (ban hành trước ngày 30/9/2025).

Lối đi nào cho người dân?

Theo ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Môi trường, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn diễn biến nghiêm trọng, đặc biệt vào các tháng cuối năm. Trong “kỳ ô nhiễm” kéo dài từ tháng 10 trở đi, khoảng 35% số ngày ghi nhận nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Riêng Hà Nội, có tới 47 ngày chất lượng không khí ở mức xấu. Số ngày có chất lượng không khí đạt mức tốt chỉ chiếm khoảng 22% trong cả năm. Đáng lo ngại hơn, nồng độ PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội lên tới 47 ug/m 3 - cao gần gấp đôi so với giới hạn cho phép tại Việt Nam.

Hà Nội có hơn 8,5 triệu phương tiện cá nhân đang lưu thông hằng ngày, trong đó khoảng 1,2 triệu ô tô và gần 7,3 triệu xe máy sử dụng xăng hoặc dầu diesel.

TS. Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam - khẳng định, xe máy là “thủ phạm” chính gây ra ô nhiễm môi trường tại Thủ đô.

Theo ông Thân Văn Thanh, chuyên gia giao thông, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, từ trước đến nay, TP Hà Nội đã không triển khai đầy đủ, quyết liệt các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do giao thông vận tải gây ra, dù ảnh hưởng rất rõ rệt. Do đó, chỉ đạo của Thủ tướng sẽ buộc TP Hà Nội phải thực sự nghiêm túc thực hiện.

Thủ tướng lưu ý Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1. Từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2. Từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.

Mở rộng mạng lưới giao thông công cộng

Để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng, TP Hà Nội sẽ phải đương đầu với nhiều thử thách. Giải quyết nhu cầu đi lại của người dân là vấn đề cấp bách nhất. Bởi Vành đai 1 là tuyến đường huyết mạch của Thủ đô, đi qua các khu vực có mật độ giao thông lớn như Trần Khát Chân, Nguyễn Khoái, Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Ô Chợ Dừa, Đê La Thành, Hoàng Cầu. Nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng, việc cấm xe rất dễ gây xáo trộn lớn tới đời sống người dân.

Anh Trần Đức Việt (phường Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hai vợ chồng đều làm việc tại phường Hoàn Kiếm, trong khi con nhỏ học tại một trường tiểu học gần Đại Cồ Việt. “Nếu cấm xe máy xăng trên toàn tuyến, tôi chưa hình dung được sẽ di chuyển bằng cách nào mỗi ngày để đi làm, đưa đón con đi học. Xe buýt thì không tiện, vì phải chuyển tuyến nhiều lần và giờ học của trẻ không linh hoạt”, anh Việt chia sẻ.

Anh Đinh Quang Minh, một tài xế công nghệ lâu năm tại Hà Nội, không giấu được sự lo lắng. “Tôi thường xuyên chạy xe trong nội thành để đưa đón khách, giao đồ ăn và chuyển hàng. Khu vực Vành đai 1 gần như là địa bàn chính để kiếm sống mỗi ngày”, anh Minh nói.

Ông Thân Văn Thanh nhấn mạnh, việc cấm xe máy chỉ thực sự khả thi khi Hà Nội đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng đủ mạnh để thay thế. Theo ông, thành phố cần mở rộng mạng lưới xe buýt điện, đồng thời ưu tiên sử dụng các loại xe buýt cỡ nhỏ để phù hợp với hạ tầng nội đô chật hẹp. Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị đi qua khu vực Vành đai 1, hoặc bổ sung thêm các điểm dừng trên những tuyến đã có, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi di chuyển.

Hà Nội muốn giảm tình trạng ô nhiễm một cách bền vững, không thể chỉ dựa vào mệnh lệnh hành chính. Điều quan trọng nhất là tìm giải pháp, phải mở “lối đi” cho người dân.

Hà Nội cũng nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng, giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực trung tâm đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (Xây dựng lộ trình cụ thể từ Quý III/2025 và điều chỉnh hằng năm).

Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/ha-noi-dung-xe-may-xang-trong-vanh-dai-1-tu-172026-nguoi-dan-di-bang-gi-a22950.html