Cách tính lương hưu, trợ cấp một lần theo quy định mới

Bộ Nội vụ vừa hướng dẫn chi tiết về mức hưởng lương hưu hằng tháng, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với người tham gia bảo hiểm bắt buộc.

Lương hưu, trợ cấp một lần ra sao từ 1/7?

Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại Thông tư số 12/2025/TT-BNV, quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH bắt buộc có hiệu lực từ ngày 1/7, mức lương hưu hằng tháng được tính dựa trên mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH và thời gian đóng BHXH.

Đối với lao động nữ, mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương cho 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm đóng thêm được tính thêm 2%, tối đa không quá 75%.

Cách tính lương hưu, trợ cấp một lần theo quy định mới- Ảnh 1.

Đối với lao động nam, mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương cho 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm đóng thêm được tính thêm 2%, tối đa không quá 75%. Trường hợp nam giới có thời gian đóng từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức hưởng là 40% cho 15 năm, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng tính thêm 1%.

Khi người lao động nghỉ hưu sớm, hưởng lương hưu sớm do suy giảm khả năng lao động thì mức hưởng được tính như trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Nếu thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%.

Cũng theo hướng dẫn tại Thông tư 12, ngoài lương hưu hằng tháng, người lao động còn có thể được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu nếu có thời gian đóng BHXH vượt quy định. Đối với lao động nam là đóng cao hơn 35 năm. Đối với lao động nữ là đóng cao hơn 30 năm.

Cứ mỗi năm đóng cao hơn quy định (trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu) thì mức hưởng trợ cấp một lần được tính bằng 0,5 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Mỗi năm đóng cao hơn quy định (kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu, nếu vẫn tiếp tục đóng) thì mức hưởng trợ cấp một lần được tính bằng 2 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

3 trường hợp đặc biệt trong cách tính thời điểm hưởng lương hưu

Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng người lao động đủ tuổi nghỉ hưu và đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH.

Thông tư 12 cũng hướng dẫn cách tính thời điểm hưởng lương hưu với ba trường hợp đặc biệt.

Thứ nhất , đối với trường hợp người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu và đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng vẫn tiếp tục làm việc và đóng BHXH bắt buộc. Khi đó, thời điểm hưởng lương hưu sẽ là tháng liền kề sau tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chấm dứt làm việc.

Thứ hai , đối với trường hợp người lao động hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động. Trường hợp này, thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng có kết luận bị suy giảm khả năng lao động. Nếu kết luận này có trước tháng đủ tuổi nghỉ hưu, thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu.

Thứ ba , đối với trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh. Trường hợp này nếu hồ sơ chỉ ghi năm sinh hoặc tháng và năm sinh thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, với ngày sinh được xác định là ngày 1/1 của năm sinh đó.



Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/cach-tinh-luong-huu-tro-cap-mot-lan-theo-quy-dinh-moi-a22990.html