Kỳ lạ công ty có 80% nhân sự không học đại học nhưng doanh thu vẫn tăng 130 lần sau 5 năm, CEO cũng không bằng tốt nghiệp

Thực tế cho thấy kỹ năng thực tế và tinh thần khởi nghiệp còn quan trọng hơn cả tấm bằng đại học.

Từ một xưởng sửa chữa ô tô nhỏ ở Rockford, Illinois, Crash Champions đã phát triển với tốc độ phi thường, cán mốc doanh thu 2,75 tỷ USD chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi. Điều thú vị hơn cả, là 83% nhân sự của công ty, từ thợ sửa đến CEO, đều không có bằng đại học. Đây là minh chứng sống động cho một thực tế, rằng trong một ngành phụ trợ quan trọng bùng nổ như sửa chữa ô tô, kỹ năng thực tế và tinh thần khởi nghiệp còn vượt trội hơn cả tấm bằng đại học.

CEO Matt Ebert lớn lên tại một nông trại nghèo khó tại Illinois. Ông chưa hoàn thành chương trình đại học, song đã dấn thân khởi nghiệp với một loạt xưởng sửa chữa ô tô nhỏ. Khi nhận ra cơ hội từ làn sóng mua bảo hiểm tai nạn gia tăng tại Mỹ, Ebert bắt đầu quy mô hóa hoạt động và thay vì tập trung vào hiệu suất tài chính, ông  chuẩn hóa quy trình sửa chữa, phát triển hệ thống đào tạo tích hợp tại chỗ và hỗ trợ kỹ thuật, đẩy mạng mô hình nhượng quyền. Kết quả, Crash Champions hiện có 350 điểm sửa chữa tại 38 bang, ghi nhận quy mô doanh thu tăng 130 lần trong vòng năm năm, từ vài chục triệu lên gần 3 tỷ USD năm 2024.

Một trong những chiến lược then chốt giúp Crash Champions đạt kỳ tích nằm ở việc tuyển dụng và phát triển nhân sự không bị ràng buộc bởi bằng cấp. Ebert chia sẻ: “Tôi đã thành công dù không hề học đại học. Tôi không bài xích tư tưởng học đại học, chỉ là tôi nghĩ nó không phải con đường duy nhất”.

Thay vì tuyển người có bằng cấp, công ty tập trung tìm kiếm những cá nhân đam mê kỹ thuật, sẵn sàng học việc và cam kết hoàn thiện tay nghề. Họ được đào tạo bài bản ngay tại xưởng với phương pháp “học – làm – lặp lại” và điều này giúp Crash Champions xây dựng một đội ngũ vững mạnh, có tay nghề chuyên sâu.

Nhờ mô hình này, Crash Champions tạo ra một văn hóa doanh nghiệp rất khác biệt, nơi mọi thành viên đều sẵn sàng đề xuất sáng kiến cải tiến, áp dụng công nghệ, tối ưu hóa quy trình tiếp nhận bảo hiểm và xử lý. Hệ thống báo cáo kỹ thuật được số hóa và quản lý phần cứng theo tiêu chuẩn quốc tế – những điều mà đa số đối thủ nhỏ lẻ không đầu tư.

Không chỉ chú trọng vào kỹ thuật, Ebert còn phối hợp với các đối tác bảo hiểm để thiết lập hệ thống tự động hóa xác nhận, định phí linh hoạt và thanh toán nhanh hơn. Đây là một cú đột phá trong ngành, nơi thủ tục bảo hiểm lâu nay vẫn là rào cản lớn. Crash Champions trở thành lựa chọn hàng đầu cho cả chủ xe và hãng bảo hiểm nhờ thời gian sửa xe được rút ngắn 20–30% và tỷ lệ phản hồi khách hàng lên đến 95% hài lòng.

Ở góc độ tài chính, Crash Champions ghi điểm với mô hình nhượng quyền tinh gọn. Công ty mở rộng nhanh bằng cách cấp quyền cho những nhà đầu tư địa phương (franchisees) chịu trách nhiệm vận hành xưởng theo tiêu chuẩn chung. Chi phí ban đầu được chia nhỏ nên không áp lực vốn lớn, giảm rủi ro nếu một khu vực thị trường gặp khó khăn.

Kỳ lạ công ty có 80% nhân sự không học đại học nhưng doanh thu vẫn tăng 130 lần sau 5 năm, CEO cũng không bằng tốt nghiệp- Ảnh 1.

Tốc độ tăng trưởng phi thường khiến Crash Champions thu hút nhiều nhà đầu tư tài chính. Các vòng gọi vốn lớn được thực hiện, giúp công ty đầu tư vào hệ thống ERP hiện đại, đào tạo kỹ thuật nâng cao và mở rộng mạng lưới phục vụ khắp cả nước. Đội ngũ lãnh đạo – trong đó có nhiều người không có bằng đại học – trở thành biểu tượng cho tinh thần “tự học – tự lực – sáng tạo”, đối lập hoàn toàn với mô hình tuyển dụng truyền thống dựa vào bằng cấp.

Sự thành công của Crash Champions là bằng chứng cho sự thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp Mỹ hiện đại: bằng đại học không còn là rào cản duy nhất. Thay vào đó, kỹ năng thực hành, khả năng lãnh đạo và tinh thần khởi nghiệp mới là thứ được đánh giá cao.

Dĩ nhiên, mô hình mở rộng nhanh chóng cũng đi kèm thách thức. Công ty phải đối mặt với rủi ro trong quản trị franchise – đảm bảo rằng mỗi điểm sửa chữa cần đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt và không giảm chất lượng vì mục tiêu lợi nhuận. Crash Champions đã đầu tư hệ thống kiểm tra định kỳ và “bí mật trở thành khách hàng” để đảm bảo mọi xưởng phải duy trì trải nghiệm nhất quán.

Trên bình diện mạng xã hội và truyền thông, Crash Champions hiếm khi xuất hiện. Thay vào đó, hãng đẩy mạnh chương trình giảm giá mỗi khi khách hàng giới thiệu bạn bè tới trải nghiệm. Cách làm này giúp Crash Champions tiếp tục duy trì tăng trưởng mà không phải chi tiêu quá nhiều cho quảng cáo.

Từ câu chuyện của Matt Ebert và Crash Champions, bằng cấp không phải là thước đo duy nhất. Trong một thị trường đang chuyển dịch mạnh mẽ, kỹ năng thực tế, khả năng học nhanh và văn hóa sáng tạo mới là yếu tố cần thiết để mở đường. Crash Champions không chỉ là chuỗi sửa ô tô tăng trưởng đột biến mà còn là minh chứng sống động cho “giấc mơ kỹ năng Mỹ thời đại mới” – nơi tư duy sáng tạo có thể đánh bại cả rào cản.

Theo: F ortune

Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/ky-la-cong-ty-co-80-nhan-su-khong-hoc-dai-hoc-nhung-doanh-thu-van-tang-130-lan-sau-5-nam-ceo-cung-khong-bang-tot-nghiep-a22992.html