Vàng miếng: Thêm quy định, bớt rủi ro

Bộ Công an cho rằng việc bắt buộc ghi nhận thông tin số sê-ri trên chứng từ giao dịch sẽ giúp hạn chế rủi ro, xác minh tính hợp pháp và nguồn gốc vàng giao dịch.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Dự kiến hôm nay (15-7) là hạn cuối để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi.

Quản lý vàng bằng số sê-ri

Trong các ý kiến góp ý dự thảo, Bộ Công an nhận định dự thảo chưa có quy định cụ thể về quản lý số sê-ri vàng miếng, bao gồm: số sê-ri vàng sản xuất mới, vàng miếng bị móp méo được gia công lại, số sê-ri trong các giao dịch mua bán, cũng như số sê-ri vàng miếng chuyển đổi thành nguyên liệu. Bộ Công an cho rằng việc bắt buộc ghi nhận thông tin số sê-ri trên chứng từ giao dịch sẽ giúp hạn chế rủi ro, xác minh tính hợp pháp và nguồn gốc vàng giao dịch, từ đó tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng một cách chặt chẽ, an toàn, đồng thời bảo đảm quyền lợi của khách hàng. "NHNN cần xem xét, bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ số sê-ri vàng miếng, đồng thời bắt buộc ghi nhận thông tin số sê-ri trên chứng từ trong mọi giao dịch để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng" - Bộ Công an nhấn mạnh.

Vàng miếng: Thêm quy định, bớt rủi ro- Ảnh 1.

Hôm nay, 15-7, là hạn chót để NHNN trình dự thảo Nghị định 24/2012 sửa đổi về quản lý thị trường vàng lên Thủ tướng .Ảnh: LAM GIANG

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 14-7, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cho rằng đề xuất quản lý số sê-ri vàng miếng của Bộ Công an là hợp lý. Theo ông Khánh, điều này không chỉ giúp xác định cụ thể từng giao dịch, mua bán vàng miếng mà còn góp phần phòng chống rửa tiền thông qua việc truy xuất số sê-ri. Ngoài ra, việc vàng miếng có số sê-ri rõ ràng cũng giúp ngăn chặn tình trạng làm giả thương hiệu.

Tuy nhiên, theo chuyên gia của VGTA, để thực hiện quy định này, cần có lộ trình và giải pháp phù hợp đối với hàng triệu lượng vàng miếng đã lưu thông trên thị trường trong nhiều năm qua. Bởi trước đây, hóa đơn mua bán vàng không bắt buộc ghi số sê-ri, do đó cần có hướng xử lý đối với số vàng mà người dân đang nắm giữ hoặc khi mang đi bán lại.

Tổng giám đốc một công ty kinh doanh vàng tại TP HCM cũng cho rằng việc quản lý số sê-ri vàng miếng trong giao dịch là cần thiết để truy xuất nguồn gốc, hạn chế vàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, NHNN cần xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, phương thức ghi nhận và truy xuất số sê-ri thật chi tiết, dễ áp dụng để tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và người dân.

Ngoài ra, Bộ Công an còn đề xuất bổ sung quy định về cơ chế và biện pháp quản lý giá mua bán vàng miếng nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc can thiệp khi cần thiết, tránh tình trạng độc quyền, thao túng giá hoặc hình thành lợi ích nhóm thông qua việc các DN tự niêm yết giá. Đặc biệt, bộ này kiến nghị cần quy định rõ biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và ổn định thị trường.

Nhận diện rào cản

Dự thảo nghị định mới cũng quy định cụ thể về các NH thương mại và DN được NHNN xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng khi đáp ứng đủ điều kiện. Theo đó, DN muốn được cấp phép phải có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỉ đồng, còn NH thương mại phải có vốn điều lệ từ 50.000 tỉ đồng trở lên.

Tuy nhiên, quy định này đang gây nhiều tranh cãi. Đại diện một DN kinh doanh vàng cho rằng mức vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng là quá cao, trở thành rào cản lớn, không phản ánh đúng năng lực thực tế của nhiều DN có kinh nghiệm và uy tín trên thị trường. Vị này đề xuất giảm xuống mức 500 tỉ đồng, đồng thời xem xét bổ sung trên các tiêu chí khác như năng lực kỹ thuật, thương hiệu, kinh nghiệm hoạt động, tuân thủ pháp luật và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, Bộ Công an lưu ý theo quy định mới, sẽ hình thành nhóm NH thương mại và DN đủ điều kiện vốn để được cấp phép sản xuất vàng miếng hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu. Như hiện nay gồm 3 công ty vàng lớn là: Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI; 4 NH thương mại Nhà nước là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV cùng 4 NH cổ phần là VPBank, Techcombank, MB, ACB. "Với cơ chế "giấy phép con" kèm hạn ngạch (quota), nếu thiếu cơ chế quản lý, giám sát và hậu kiểm chặt chẽ, rất dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình cấp phép, dẫn đến nguy cơ tập trung độc quyền sản xuất, nhập khẩu và phân phối vàng nguyên liệu vào một nhóm đơn vị được chọn. Ngoài ra, còn có thể nảy sinh tình trạng sản xuất, nhập khẩu vượt hạn mức hoặc mua bán giấy phép, hạn ngạch" - Bộ Công an cảnh báo.

Thêm những kiến nghị từ thực tế

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm các NH thương mại vốn có chức năng chính là hoạt động tiền tệ, trong khi vàng không còn là tiền tệ. Vì vậy, chỉ nên cho phép các NH tham gia nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu để tận dụng nguồn lực tài chính và trạng thái ngoại tệ của họ, phục vụ nhu cầu của các DN sản xuất, kinh doanh vàng trong nước. "Thời gian đầu, khi mở rộng phạm vi cấp phép nhập khẩu vàng cho các DN và NH, cơ quan quản lý có thể yêu cầu cấp phép từng lô để kiểm soát. Nhưng về lâu dài nên bỏ cơ chế xin phép từng lần, thay vào đó NHNN chỉ cấp hạn ngạch một lần cho cả năm. Các đơn vị sẽ chủ động phân bổ, nhập khẩu theo nhu cầu và diễn biến giá thế giới. Cách làm này giúp giảm tải công tác quản lý của NHNN và đơn giản hóa thủ tục trên thị trường" - TS Hiếu phân tích.

Ông Huỳnh Trung Khánh cũng đồng tình và cho rằng giá vàng thế giới có thể biến động hàng trăm USD/ounce chỉ trong một ngày, nếu phải xin phép nhập khẩu từng lô sẽ dễ lỡ thời cơ, gánh rủi ro lớn khi giá đảo chiều nhanh. "Nên cấp hạn ngạch nhập khẩu hằng năm, DN và NH chủ động lựa chọn thời điểm nhập khẩu phù hợp với thị trường. Việc quản lý thực hiện qua cơ chế báo cáo định kỳ, hậu kiểm, thậm chí có thể ứng dụng công nghệ số để giám sát minh bạch, thuận tiện hơn" - ông Khánh đề xuất.

Trước những ý kiến góp ý, NHNN cho biết đã bám sát chỉ đạo về "xóa bỏ cơ chế độc quyền Nhà nước trong sản xuất vàng miếng một cách có kiểm soát, trên nguyên tắc Nhà nước vẫn quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng". Do vậy, dự thảo nghị định đã đặt ra các điều kiện về vốn, năng lực để lựa chọn những DN, NH đủ khả năng tài chính, tuân thủ pháp luật tham gia sản xuất vàng miếng, bảo đảm Nhà nước vẫn kiểm soát chặt hoạt động này. "Việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng thông qua cơ chế cấp phép trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. NHNN sẽ kiểm soát linh hoạt hạn mức nhập khẩu vàng để bảo đảm các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Theo đó, trên cơ sở hạn mức năm, các DN và NH sẽ thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép xuất, nhập khẩu từng lần" - đại diện NHNN khẳng định. 

Giao dịch vàng từ 20 triệu đồng phải chuyển khoản

Theo dự thảo nghị định, các giao dịch mua bán vàng có giá trị từ 20 triệu đồng/ngày trở lên đối với một khách hàng phải thực hiện qua tài khoản thanh toán mở tại NH. NHNN cho biết quy định này nhằm bảo đảm xác thực thông tin khách hàng vì thực tế tài khoản NH đã được xác thực, đồng thời tăng tính minh bạch cho thị trường vàng.

Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu quy định rõ mức 20 triệu đồng tính trên tổng giao dịch trong ngày của một khách hàng, để tránh tình trạng lách luật bằng cách chia nhỏ giao dịch dưới 20 triệu đồng.

Với giá vàng miếng SJC hiện nay khoảng 121,5 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 117,5 triệu đồng/lượng, chỉ cần mua từ 2 chỉ trở lên (trên 20 triệu đồng) là phải chuyển khoản. Nhiều người dân và DN cho rằng điều này phù hợp với chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, đại diện một công ty vàng đề xuất cần hướng dẫn cụ thể thế nào là "trong ngày" và cơ chế cộng dồn các giao dịch để tránh bị lợi dụng lách quy định.


Link nội dung: https://www.nhiepanhvacuocsong.net/vang-mieng-them-quy-dinh-bot-rui-ro-a23184.html