
Ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải. Ảnh: SH
Đây là dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú.
Ngày 15/4 vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP). Kết quả cụ thể, nhà đầu tư trúng thầu là liên danh CTCP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh – Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.
Theo Bộ Xây dựng, dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 có chiều dài 60,2km, thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Dự án này có tổng vốn đầu tư 8.496 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách 1.300 tỷ đồng bố trí cho giải phóng mặt bằng vàcòn lại là vốn nhà đầu tư. Thời gian thi công xây dựng hoàn thành dự án là 24 tháng (tính từ ngày khởi công).
Căn cứ vào kết quả lựa chọn nhà đầu tư được phê duyệt, Bộ Xây dựng giao Ban Quản lý dự án Thăng Long tiến hành hoàn thiện dự thảo hợp đồng theo quy định của hồ sơ mời thầu và quy định pháp luật, trình Cục Đường bộ Việt Nam để tổ chức thương thảo và đàm phán với nhà đầu tư. Ngoài ra, trên cơ sở đàm phán, Ban Quản lý dự án Thăng Long chịu trách nhiệm hoàn thiện hợp đồng dự án và trình Cục Đường bộ Việt Nam ký kết.

Liên danh Tập đoàn Sơn Hải trúng thầu dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP, với tổng chiều dài hơn 60 km. Ảnh: VGP
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã có công điện yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long đẩy nhanh các thủ tục để tiến hành khởi công cao tốc Dầu Giây - Tân Phú trong tháng 5/2025.
Tập đoàn Sơn Hải hiện được coi là một trong những nhà thầu uy tín nhất ở Việt Nam hiện nay, khi thực hiện nhiều dự án cao tốc lớn như Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm… Đặc biệt, Sơn Hải từng gây chú ý khi cam kết bảo hành 10 năm cho các tuyến cao tốc do tập đoàn thi công.
Tuyến cao tốc thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Nai, vùng Đông Nam Bộ
Dự án cao tốc cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đi qua các huyện của tỉnh Đồng Nai, bao gồm: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú. Điểm đầu của dự án sẽ kết nối với điểm cuối của cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (thuộc thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất). Điểm cuối giao cắt với quốc lộ 20 và nối vào cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (xã Phú Trung, huyện Tân Phú).
Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú sẽ xây dựng 26 cầu vượt đường ngang; 4 cầu trên nhánh nút giao vượt cao tốc; 24 hầm chui dân sinh kết hợp một số vị trí chui dưới cầu trên chính tuyến; khoảng 31 km đường gom kết hợp với hệ thống hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang, hệ thống đường hiện hữu bảo đảm kết nối giao thông và hạn chế ảnh hưởng tới đời sống cư dân.
Trên thực tế, dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1045/QĐ-TTg ngày 06/9/2022. Đây là dự án nằm trong tổng thể dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nối Đồng Nai và Đà Lạt (Lâm Đồng), bao gồm các dự án thành phần: Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương và Liên Khương - Prenn (Đà Lạt). Khi toàn tuyến được hoàn thiện, thời gian di chuyển từ TP HCM đến Đà Lạt sẽ được rút ngắn từ 6 - 7 giờ xuống chỉ còn khoảng 3 giờ.

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 20. Ảnh minh họa
Mục tiêu của dự án này là để đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 20. Khi hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ, các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP HCM - Dầu Giây - Liên Khương, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú còn được kỳ vọng sẽ tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; đồng thời tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo quyết định phê duyệt dự án của Bộ Giao thông vận tải, quy mô dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú vẫn giữ như trước đây. Giai đoạn 1 của dự án sẽ được xây dựng đạt tiêu chuẩn cao tốc cấp 100, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Ngoài ra, các đoạn nền đất yếu, cầu và đoạn dừng khẩn cấp sẽ được thi công theo quy mô hoàn chỉnh, với bề rộng nền đường 24,75m. Khi hoàn thiện, tuyến cao tốc này sẽ đạt vận tốc thiết kế 100 km/h, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,7m.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2027.