Sáng 13/5, trước khi tiến hành phiên thảo luận, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Trình bày báo cáo, ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm có 8 Chương, 59 Điều, giảm 3 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Về phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục hành chính, ông Mãi cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp.
Cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục hành chính; khoảng 50% số thủ tục trình lên Thủ tướng Chính phủ được cắt giảm hoặc phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội (Ảnh: Media Quốc hội).
Về nguyên tắc quản lý đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ quy định "vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp".
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định nội dung trên tại dự thảo Luật có thể phát sinh những bất cập, vướng mắc.
Đơn cử như Luật Doanh nghiệp không quy định cụ thể tài sản góp vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp. "Nếu bổ sung nguyên tắc này có thể xung đột với khái niệm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được quy định tại khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật", ông Mãi nêu.
Đồng thời, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và dưới 50% vốn điều lệ do đó ngoài vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp còn có vốn của các thành viên góp vốn/cổ đông khác.
Các quy định trong dự thảo Luật đã bảo đảm nguyên tắc doanh nghiệp được chủ động, tự chủ trong việc sử dụng vốn và tài sản cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo phân cấp của đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội không quy định nội dung này tại dự thảo Luật.

Doanh nghiệp Nhà nước được tăng quyền nhiều hơn (Ảnh: Phạm Tùng).
Về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng, quy định không cho doanh nghiệp được kinh doanh bất động sản là chưa phù hợp.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định của Luật doanh nghiệp, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp được thể hiện trong Điều lệ công ty.
Dự thảo Luật quy định việc quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thông qua người đại diện chủ sở hữu. Do đó, đại diện chủ sở hữu Nhà nước sẽ quyết định ban hành Điều lệ công ty thông qua người đại diện tại doanh nghiệp, bảo đảm doanh nghiệp tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh theo đúng định hướng của Nhà nước, hạn chế tình trạng đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định phạm vi đầu tư vốn Nhà nước để thành lập doanh nghiệp, bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp, bổ sung vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên và giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời quy định đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp không đúng phạm vi đầu tư là hành vi bị cấm tại khoản 1 Điều 9 Dự thảo Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu quan điểm này và không quy định hạn chế đầu tư trong Dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp.
Về chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng, một số ý kiến đề nghị tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp trong việc quyết định tiền lương tại doanh nghiệp.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật quy định Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định chính sách tiền lương đối với người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên.
Đồng thời chỉnh lý khoản 4 Điều 24 về tiền lương, thù lao, tiền thưởng và khoản 5 Điều 36 về quyền, trách nhiệm của người lao động, Hội đồng thành viên, hoặc Chủ tịch Công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Điều 41 về tiền lương, tiền thưởng và quyền lợi khác của người đại diện phần vốn Nhà nước.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉnh lý Điều 36 dự thảo Luật như sau: Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty được chủ động quyết định các nội dung gồm chiến lược kinh doanh 5 năm; kế hoạch kinh doanh hằng năm; huy động vốn, cho vay vốn; quyết định đầu tư dự án, đầu tư vốn; tiền lương, tiền thưởng tại doanh nghiệp theo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật về lao động, thỏa thuận trong hợp đồng lao động, năng suất, hiệu quả công việc của người lao động; sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển; phê duyệt báo cáo tài chính hằng năm của doanh nghiệp.