Tham tán Thương mại: Có doanh nghiệp xuất khẩu lần đầu đã gặp lừa đảo

Vị Tham tán cho biết doanh nghiệp thường chỉ muốn được cung cấp thông tin miễn phí, ngại bỏ tiền cho dịch vụ tư vấn nên thiếu thông tin về thị trường, đối tác.

Tham tán Thương mại: Có doanh nghiệp xuất khẩu lần đầu đã gặp lừa đảo- Ảnh 1.

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ

Chia sẻ trong Talkshow "Rào cản thuế quan Mỹ: Những gợi mở từ Tham tán thương mại" mới đây, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết thực hiện theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đang nỗ lực tổ chức rất nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp hai bên và mong muốn sự đồng hành, hỗ trợ của doanh nghiệp trong nước đấy.

Thế nhưng trước đây, trong thời gian dịch Covid, để tổ chức một chương trình webinar giới thiệu về thị trường rất dễ, có thể thu hút từ 100 đến 200, thậm chí 300 doanh nghiệp cả hai đầu tham dự. Gần đây, cụ thể năm ngoái, Thương vụ cũng tổ chức một số chương trình tương tự nhưng chỉ ghi nhận được 20 - 30 người. Điều này làm giảm động lực rất lớn của ban tổ chức.

"Chúng tôi cũng phải điều chỉnh, cũng biết bây giờ xu hướng gặp mặt trực tiếp lớn hơn, còn gặp online không hiệu quả. Điều này cũng đúng nhưng chưa đủ, ít nhất là thông tin chúng tôi cung cấp miễn phí và cập nhật tất cả những thông tin sống động trên thị trường này. Thông thường các doanh nghiệp phải trả tiền mới có được những thông tin đó", ông Thướng nói.

Vị Tham tán khuyên cộng đồng doanh nghiệp nên thay đổi tư duy kinh doanh. Bên cạnh đó nên sử dụng những dịch vụ tư vấn, dịch vụ luật vì ở Ấn Độ những chi phí này không cao. Bởi lẽ nhân sự của Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ rất hạn chế, chỉ 3 nhân sự biên chế, 1 nhân sự hỗ trợ . Trong khi thị trường Ấn Độ có 1,5 tỷ dân, chia cho 3 nhân sự của Thương vụ phụ trách sẽ không xuể.

Để giải quyết việc hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất, Thương vụ cho biết đã kết hợp với một số văn phòng tư vấn dịch vụ sở tại. Đương nhiên việc này sẽ mất chi phí của doanh nghiệp, nhưng mức phí rất hợp lý. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt khi nhắc tới bỏ tiền cho dịch vụ tư vấn thường không hài lòng.

"Tôi phân tích luôn rằng chi phí không bằng một bữa ăn nhậu, bây giờ các anh chị muốn giảm chi phí trong khi có thể kiếm một đơn hàng 200-300.000 USD. Đã có doanh nghiệp vừa khởi nghiệp, ký đơn hàng đầu tiên xuất khẩu quế, hồi, thảo quả trị giá hơn 400.000 USD, cứ tưởng thành công cuối cùng gặp ngay đối tượng chuyên đi lừa đảo. Trong khi đối tượng đó đã được chúng tôi cảnh báo rồi nhưng doanh nghiệp vẫn gặp phải", ông Thướng phân tích.

Tham tán Thương mại: Có doanh nghiệp xuất khẩu lần đầu đã gặp lừa đảo- Ảnh 2.

Theo vị này, các đối tượng lừa đảo rất giỏi xây dựng các kịch bản. Tức họ sẽ cho một đối tác chuyên nghiệp đến đàm phán làm ăn với doanh nghiệp của ta. Khi đàm phán xong, họ chuyển luôn đơn hàng cho một đối tác khác mà doanh nghiệp không biết. Tức hàng chưa đến nơi thì họ đã sang tay cho đối tác khác.

"Rất khó để xác định các đối tượng lừa đảo vì họ che dấu vết. Nhưng vẫn có những dấu hiệu để nhận biết sớm và thông qua các công ty tư vấn, chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp tìm ra nó", ông Thướng nhấn mạnh.

Theo số liệu của Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu, các doanh nghiệp trên thế giới thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Tỷ lệ doanh nghiệp là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế trong 2 năm trước thời điểm khảo sát khá cao (năm 2020 là 47%, năm 2021 là 46%). Về phân loại lừa đảo, có 43% từ bên ngoài, 31% từ nội bộ, 26% thông đồng giữa trong và ngoài.

Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ Hãng kiểm toán PwC Việt Nam ghi nhận, cứ 2 doanh nghiệp được hỏi, thì 1 doanh nghiệp cho biết đã từng có trải nghiệm bị lừa đảo thương mại quốc tế. Đây là con số thực sự đáng báo động. Đáng lưu ý là, con số này cao hơn mức 46% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu.