Theo báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán NH (NHSV) đánh giá các yếu tố vĩ mô đã rõ ràng và theo đúng dự báo. Tăng trưởng GDP cao, lạm phát thấp, và tỷ giá tăng mạnh.
Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không còn bơm USD vào nền kinh tế để hỗ trợ tỷ giá, thay vào đó, kho bạc chào mua USD 11 lần, tổng 1,9 tỷ USD để bơm tiền vào nền kinh tế. Ngoài ra, NHNN cũng không còn hút tiền từ hệ thống ngân hàng như giai đoạn 2023-2024. Theo NHSV, đây bản chất đều là bơm tiền vào nền kinh tế.
Trong nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 9,9%, gấp 1,6 lần so với mức tăng trưởng 6,1% cùng kỳ 2024. Thủ tướng yêu cầu sớm bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng, và xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, báo cáo Thủ tướng trong tháng 7 Quốc hội chính thức luật hóa Nghị quyết 42, “chốt” quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.

NHSV cho rằng, ưu tiên chính sách năm 2025 là dồn mọi nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, cụ thể là tăng trưởng tín dụng cao và duy trì lãi suất thấp. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 có thể tăng lên 16,8%. Lạm phát và tỷ giá là 2 yếu tố cản trở chính sách lãi suất thấp. NHSV đánh giá áp lực lạm phát trong năm 2025 là không lớn nhưng tỷ giá là nỗi lo. Dù vậy, NHNN có thể sẽ không tăng lãi suất vì tỷ giá để giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Với môi trường lãi suất thấp, gửi tiết kiệm không phải là kênh đầu tư được ưu tiên. Trong khi đó, vàng và bất động đều đã tăng giá quá cao, rủi ro giảm giá, hoặc ít nhất là không còn tăng giá được nữa là lớn. Thị trường trái phiếu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và không thật sự phù hợp với nhà đầu tư nhỏ lẻ. Do đó, NHSV cho rằng, đây là thời cơ vàng cho kênh đầu tư cổ phiếu.
Luận điểm đầu tư đáng chú ý
Đánh giá về triển vọng thị trường nửa cuối năm, NHSV chỉ ra nhiều câu chuyện hỗ trợ đáng chú ý bên cạnh quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ.
Báo cáo của NHSV cho biết 43,7% chuyên gia được khảo sát tại Mỹ dự báo: Fed sẽ giảm lãi suất 0,5% trong thời gian còn lại của năm 2025 từ 4,5% xuống 4% bất chấp lo ngại thuế đối ứng có thể làm cho hàng hoá tại Mỹ tăng lên. Nếu Fed cắt giảm lãi suất như dự báo, áp lực tỷ giá có thể sẽ hạ nhiệt, tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, triển vọng nâng hạng ngày càng rõ ràng cũng là luận điểm đầu tư không thể bỏ qua. Bộ trưởng Tài chính đã yêu cầu phải nâng hạng được thị trường chứng khoán trong năm 2025 và NHSV cho ràng Việt Nam có thể được thêm vào rổ chỉ số FTSE (Emerging Markets) từ tháng 9/2025.
Với tỷ trọng dự kiến là 0,3%, Việt Nam được dự báo sẽ đón dòng tiền bị động (thông qua các ETF tham chiếu theo các bộ chỉ số của FTSE) khoảng 1,7 tỷ đồng và dòng tiền chủ động khoảng 8,5 tỷ USD. Dòng vốn này được kỳ vọng sẽ đảo chiều xu hướng bán ròng triền miên của khối ngoại những năm gần đây. Thực tế, khối ngoại đã có dấu hiệu trở lại mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu tháng 7.

Theo NHSV, những chủ đề đầu tư đáng chú ý cho năm nay gồm: (1) Chính sách tiền tệ nới lỏng – Lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng cao với các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,…được hưởng lợi: (2) Đẩy mạnh đầu tư công sẽ hỗ trợ nhóm thép, xây dựng; (3) Nâng hạng thị trường mở ra cơ hội cho nhóm chứng khoán và các cổ phiếu trong danh mục FTSE.
Bên cạnh đó, nhóm các cổ phiếu bị khối ngoại bán mạnh trong năm ngoái cũng được kỳ vọng sẽ tích cực hơn, đặc biệt là các Bluechips còn room ngoại. Ngoài ra, NHSV cho rằng nhóm cổ phiếu tăng trưởng ổn định như điện, nước cũng là một lựa chọn nhà đầu tư có thể cân nhắc trong năm nay.

