Thủ tục khám BHYT thay đổi lớn từ ngày 15-8

Thủ tục khám chữa bệnh BHYT là các bước mà người tham gia BHYT phải thực hiện khi đến cơ sở khám chữa bệnh để được hưởng chế độ theo quy định.

Hướng dẫn thủ tục khám chữa bệnh BHYT từ ngày 15-8

Thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) là các bước mà người tham gia BHYT phải thực hiện khi đến cơ sở khám chữa bệnh để được hưởng chế độ theo quy định.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 188/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT.

Theo Điều 37 Nghị định 188/2025/NĐ-CP hướng dẫn thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật BHYT 2008 (sửa đổi năm 2024) như sau:

Thủ tục khám BHYT thay đổi lớn từ ngày 15-8- Ảnh 1.

Thủ tục khám BHYT có sự thay đổi từ ngày 15-8-2025

Người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thông tin về thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh nhân thân của người đó theo một trong các hình thức sau đây:

Căn cước hoặc căn cước công dân hoặc tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức độ 2 đã tích hợp thông tin về thẻ BHYT;

Thẻ BHYT bản điện tử hoặc bản giấy. Đối với đối tượng tham gia BHYT quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 3 Điều 12 Luật BHYT 2008 (sửa đổi năm 2024) chưa có thông tin về thẻ BHYT tra cứu được trên hệ thống công nghệ thông tin thì phải xuất trình thẻ BHYT bản giấy.

Trường hợp sử dụng thẻ BHYT chưa có ảnh hoặc mã số BHYT thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ chứng minh thân nhân: Căn cước, căn cước công dân, giấy chứng nhận căn cước, hộ chiếu, liên kết với tài khoản định danh điện từ (VNeID) mức độ 2 hoặc ứng dụng VssID hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã.

Đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ xuất trình thẻ BHYT bản giấy hoặc bản điện tử hoặc mã số BHYT; trường hợp chưa được cấp thẻ BHYT thì xuất trình giấy chứng sinh bản gốc hoặc bản chụp. Đối với trẻ vừa sinh, cha, mẹ hoặc thân nhân của trẻ ký xác nhận trên hồ sơ bệnh án hoặc người đại diện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác nhận trên hồ sơ bệnh án trong trường hợp trẻ không có cha, mẹ hoặc thân nhân.

Người tham gia BHYT trong thời gian chờ cấp hoặc thay đổi thông tin về thẻ BHYT, khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp, cấp lại và đổi thẻ BHYT, thông tin về thẻ BHYT do cơ quan BHXH hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan BHXH ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Nghị định 188/2025/NĐ-CP.

Người đã hiến bộ phận cơ thể người phải xuất trình thông tin về thẻ BHYT tế theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 37 Nghị định 188/2025/NĐ-CP. Trường hợp chưa có thẻ BHYT thì phải xuất trình giấy ra viện do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi lấy bộ phận cơ thể người cấp cho người đã hiến bộ phận cơ thể người và một trong các giấy tờ chứng minh nhân thân của người đó: Căn cước, căn cước công dân, giấy chứng nhận căn cước, hộ chiếu, liên kết với tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức độ 2 hoặc ứng dụng VssID hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp. 

Trường hợp chưa có thẻ BHYT nhưng phải điều trị ngay sau khi hiến, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh xác nhận vào hồ sơ bệnh án.

Thủ tục khám BHYT thay đổi lớn từ ngày 15-8- Ảnh 2.

Người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thông tin về thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh nhân thân

Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT phải xuất trình các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 37 Nghị định 188/2025/NĐ-CP trước khi kết thúc đợt điều trị.

Từ ngày 15-8-2025, Nghị định 188/2025/NĐ-CP có hiệu lực, trừ các quy định sau:

Các điều từ Điều 1 đến Điều 11, các điều 14, 15, 17, 18, 19, từ Điều 22 đến Điều 36, từ Điều 39 đến Điều 44, các điều 49 và 50, từ Điều 54 đến Điều 61, các điều 69, 70, 71 và 72 Nghị định 188/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-7-2025.

Khoản 8 Điều 69 Nghị định 188/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 đến hết 31-12-2025.

Các loại hình tham gia BHYT

Năm 2025, tùy theo đối tượng tham gia BHYT, có hai loại hình tham gia BHYT là tham gia theo hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện.

BHYT bắt buộc là một hình thức bảo hiểm do Nhà nước tổ chức và quản lý, áp dụng đối với các đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT như người lao động, người sử dụng lao động, cán bộ, công chức, viên chức đều bắt buộc phải tham gia.

BHYT tự nguyện là hình thức bảo hiểm do Nhà nước thực hiện không nhằm mục đích thu lợi nhuận, áp dụng đối với những người không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc để mọi người dân có cơ hội được chăm sóc sức khỏe hưởng BHYT khi ốm đau bệnh tật.

Người tham gia BHYT tự nguyện được lựa chọn các mức đóng và phương thức đóng phù hợp với nhu cầu và tài chính của mình.