Nhà đầu tư chứng khoán vừa trải qua phiên giao dịch đầy biến động. Sau quãng lình xình suốt phiên sáng, chỉ số VN-Index bất ngờ bị bán tháo, có thời điểm lùi sát ngưỡng 1.136 điểm (tương đương mất hơn 70 điểm).
Tại đây, lực cầu bắt đáy ồ ạt dâng cao khiến nhiều cổ phiếu đang từ trạng thái “xanh sàn” chuyển sang sắc “xanh lá” nhanh chóng. VN-Index bất ngờ hồi phục hơn 60 điểm từ đáy để đóng cửa phiên 22/4 với mức giảm chỉ còn 9,94 điểm (-0,82%) xuống 1.197,13 điểm.
Dòng tiền ồ ạt đổ dồn vào thị trường trong phiên chiều đẩy thanh khoản cũng tăng vọt với giá trị khớp lệnh đột biến trên HOSE đạt 31.777 tỷ đồng, tăng tới 83% so với phiên trước. Thêm vào đó, điểm tích cực cũng tới từ động thái của nhà đầu tư ngoại khi tiếp tục mua ròng mạnh tay gần 600 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Nhận định về biến động đầy bất ngờ của thị trường chứng khoán, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu - CTCP Chứng khoán MB (MBS) cho biết nhịp rơi mạnh xuất hiện vào đầu phiên chiều khi có thông tin Mỹ áp thuế với pin năng lượng mặt trời của các nước Đông Nam Á, chỉ số đã thử thách lại ngưỡng 1.140 điểm, nhiều cổ phiếu vì vậy cũng bị giảm mạnh, thậm chí giảm sàn.
Dù dòng tiền lớn nhanh tay tham gia trở lại thị trường, kéo chỉ số tăng lại gần 60 điểm, chuyên gia MBS đánh giá tín hiệu tạo đáy vẫn chưa được xác nhận.
Sự hồi phục chủ yếu chỉ được hỗ trợ bởi một vài cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, HVN, MWG và VCB trong khi đó, thị trường vẫn chịu áp lực bán lớn khi có tới hơn 400 cổ phiếu giảm điểm trong phiên giao dịch 22/4. Nhà đầu tư vẫn cần thêm thời gian để xác định xu hướng khi chỉ số vẫn đang nằm dưới các đường EMA ngắn hạn như EMA5 ở 1207, EMA20 ở vùng 1.230 điểm và chờ đợi các tín hiệu tích cực hơn xung quanh tình hình đàm phán thuế quan.
Thanh khoản tăng vọt trong phiên chiều cho thấy lực cầu bắt đáy xuất hiện mạnh trong đó có sự ủng hộ của cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia giải ngân mạnh với gần 600 tỷ đồng trong phiên.
Theo bà Hiền, lực cầu bắt đáy có thể đến từ dòng tiền của những nhà đầu tư đã bỏ lỡ sóng phục hồi vừa rồi, đồng nghĩa với việc lực cầu hiện tại ở trong thị trường vẫn còn nhiều và sẵn sàng tham gia trở lại khi thị trường xuất hiện những nhịp chiết khấu sâu.
Về hành động, chuyên gia MBS khuyến nghị nhà đầu tư nên lựa chọn chiến lược phòng thủ khi các thị trường vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi các thông tin liên quan tới thuế quan và chưa có thông tin mới nào cho thấy căng thẳng thương mại đã hạ nhiệt.
"Thị trường điều chỉnh là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu đầu ngành"
Trong ngắn hạn, ngoài vấn đề nổi cộm là quá trình đàm phán chung quan chính sách thuế đối ứng của Mỹ, nhà đầu tư cần lưu ý các rủi ro trong giai đoạn này.
Thứ nhất, TTCK Mỹ đang bước vào giai đoạn điều chỉnh khi đà bán tháo các cổ phiếu công nghệ vẫn chưa chấm dứt. Với tác động kém tích cực từ chính sách thuế quan, TTCK Mỹ vẫn được dự báo sẽ duy trì xu hướng giảm trong 2 tháng tới. Về yếu tố mùa vụ, tháng 4 – tháng 5 cũng đồng thời là thời điểm “vùng trống thông tin”, không có thông tin tích cực hỗ trợ, vì vậy diễn biến thị trường thế giới sẽ tác động đến chỉ số VN-index lớn hơn.
Thứ hai, ở trong nước, tỷ giá vẫn là rủi ro lớn nhất, gây áp lực lên thị trường trong suốt nửa đầu năm.
Về dài hạn, vị chuyên gia tới từ MBS cho rằng nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thấp kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận hoạt động của các DN niêm yết trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái vẫn là các yếu tố đảm bảo cho sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index trong năm 2025.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các TTCK mới nổi của FTSE trong năm 2025 cũng như MSCI trong năm 2026.
Trên cơ sở đó, Khối Nghiên cứu MBS dự báo VN-Index hướng về mức 1.350 – 1.380 trong năm 2025 trên cơ sở kỳ vọng lợi nhuận thị trường tăng 16% - 16,5%, P/E mục tiêu 12.5 lần.
"Thị trường điều chỉnh là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu đầu ngành, ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng với mức định giá hấp dẫn. Các nhóm ngành như BĐS dân cư, ngân hàng, điện, thép, xây dựng hạ tầng, dầu khí thượng nguồn sẽ ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng. Bên cạnh đó, đợt bán tháo vừa qua đã đưa định giá một số cổ phiếu đầu ngành công nghệ, thực phẩm tiêu dùng xuống vùng định giá hấp dẫn để tích lũy", chuyên gia MBS chia sẻ.