Các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều có những bước tiến tích cực.
Đến kiểm tra tình hình thực hiện dự án Khu bến cảng Mỹ Thuỷ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận sự quyết tâm, nỗ lực của nhà đầu tư và đơn vị thi công trong đẩy nhanh tiến độ dự án. Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy do Công ty Cổ phần Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) làm chủ đầu tư; là công trình hàng hải cấp đặc biệt.
Dự án có diện tích 685 ha, tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng, quy mô 10 bến và được thực hiện theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 gồm 4 bến tiếp nhận tàu đến 100.000 DWT với tổng chiều dài bến 1.300 m; diện tích sử dụng đất 133,67 ha. Tổng mức đầu tư 5.900 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện từ năm 2024 – 2027. Đến nay MTIP đã hoàn thành các thủ tục pháp lý và đang triển khai thi công giai đoạn 1 gồm: hoàn thành bãi chứa, cục phá sóng; hoàn thành 80% các hạng mục đê, kè chắn sóng phía Đông; trạm cung cấp bê tông cho dự án; đang thi công bến số 1, số 2, sàn chuyển tiếp và kè sau cầu...
Theo kế hoạch, cuối năm 2025 sẽ đưa vào hoạt động bến số 1, quý I/2026 đưa vào hoạt động bến số 2 và trong năm 2027 sẽ đưa toàn bộ 4 bến cảng giai đoạn 1 vào hoạt động. Đồng thời đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý của các giai đoạn còn lại để thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), giao đất làm bãi tập kết chất nạo vét và triển khai thi công giai đoạn 2, 3.
Để phát huy hiệu quả Khu bến cảng Mỹ Thủy, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh Quảng Trị ngay từ bây giờ phải có phương án xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ, đường sắt đồng bộ; quy hoạch các khu vực logistics để thu hút đầu tư. Về phía nhà đầu tư cần nghiên cứu sớm tiếp cận khái niệm xây dựng “cảng xanh”, hướng tới phát thải khí nhà kính bằng 0 (Net zero).
Kiểm tra dự án Cảng hàng không Quảng Trị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ vui mừng trước sự đồng hành tích cực của tỉnh Quảng Trị và sự quyết liệt của nhà đầu tư trong triển khai dự án. Đến nay, sau gần một năm kể từ ngày khởi công, dự án đã hoàn thành hạng mục sân đỗ máy bay, các tuyến đường công vụ, nhà điều hành, trạm bê tông xi măng, khu phụ trợ, hệ thống thoát bảo đảm chất lượng, tiến độ theo kế hoạch.
Các hạng mục khu phục vụ mặt đất, nhà ga hành khách, đài kiểm soát không lưu đã hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, đang lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công đồng loạt trong tháng 5/2025. Các hạng mục khu bay như đường cất hạ cánh, sân quay đầu đang trình thẩm định, sẽ hoàn thành trong quý II/2025 để triển khai thi công đảm bảo tiến độ hoàn thành đưa dự án vào khai thác vận hành vào tháng 7/2026.
Để dự án sớm hoàn thành và đưa vào khai thác có hiệu quả, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh Quảng Trị cần tính toán và có phương án thực hiện việc kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo nên tổ hợp công nghiệp từ hàng không đến cảng biển, đường sắt, cao tốc. Tính toán quy hoạch những vùng phụ cận với cơ sở hạ tầng phù hợp. V
Liên danh nhà đầu tư T&T Group - Cienco 4 cho biết sẵn sàng thi công đồng loạt các hạng mục đường cất hạ cánh dài 3.000 m, sân đỗ máy bay, đài kiểm soát không lưu, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhà ga hành khách... từ tháng 5. Mục tiêu là khai thác sân bay từ tháng 7/2026 với công suất 500.000 hành khách/năm, khi đầu tư hoàn chỉnh công suất sẽ đạt 5 triệu hành khách/năm.
Liên danh nhà đầu tư cũng kiến nghị cơ quan chức năng cho phép tiếp tục triển khai đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng để sớm nâng cấp quy mô sân bay đạt cấp 4E, tiếp nhận không hạn chế các loại máy bay, đồng thời bảo đảm khai thác tàu bay Code E, đáp ứng công suất khai thác 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm (thiết kế ban đầu là 22.500 tấn hàng hóa/năm).
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn T&T đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch, xây dựng tổ hợp hàng không tầm cỡ khu vực và quốc tế với tổng diện tích lên tới hơn 10.800 ha, bao gồm cảng hàng không, trung tâm trung chuyển hàng hóa, tổ hợp công nghiệp hàng không (nghiên cứu phát triển, sản xuất, chế tạo linh kiện, phụ tùng tàu bay, lắp ráp, hoàn thiện tàu bay, bảo trì - bảo dưỡng, đào tạo, huấn luyện kỹ thuật viên, thử nghiệm công nghệ hàng không...), đô thị sân bay.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá những dự án như sân bay Quảng Trị sẽ góp phần giúp địa phương cất cánh. Nhà đầu tư cần nghiên cứu phương án kết nối giao thông bằng đường bộ, đường sắt để hoạt động di chuyển của hành khách, dịch vụ vận tải logistic được nhanh chóng, thuận tiện.