“Trùm” khách sạn Anh Quốc sắp mở 1 khách sạn hạng sang tại Quận 1, tuyển dụng mới 1.000 lao động, đang đầu tư thêm 22 khách sạn khác tại Việt Nam

“Việt Nam có những kế hoạch đầy tham vọng để trở thành một điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới" - ông Vivek Bhalla, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á & Hàn Quốc, IHG Hotels & Resorts, cho biết.

Được biết đến là một trong số Tập đoàn quản lý khách hạng lớn trên thế giới, IHG Hotels & Resorts vừa công bố tình hình hoạt động tại Việt Nam. Cần nhấn mạnh, Việt Nam nhiều năm trở lại đây được IHG chọn là thị trường trọng điểm, và không ít lần lãnh đạo Tập đoàn công bố chiến lược mở rộng gấp 2-3 lần cho thị trường này.

“Việt Nam có những kế hoạch đầy tham vọng để trở thành một điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới, với mục tiêu đón 23 triệu khách quốc tế và 120 triệu khách nội địa trong năm nay. Chúng tôi cam kết hợp tác với các đối tác liên quan để hỗ trợ mục tiêu này”, ông Vivek Bhalla, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á & Hàn Quốc, IHG Hotels & Resorts, cho biết.

IHG hiện đang vận hành 20 khách sạn, theo lãnh đạo Tập đoàn này đã và đang đầu tư thêm 22 khách sạn khác tại Việt Nam. Tập đoàn cũng đang vận hành 8 thương hiệu tại Việt Nam, có mặt tại 11 điểm đến: Hà Nội, Vĩnh Yên, Quảng Bình, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Hồ Tràm, TP.HCM, Côn Đảo, Phú Quốc và Vịnh Hạ Long.

Tuần qua, IHG vừa khai trương InterContinental Halong Bay Resort & Branded Residences. Theo kế hoạch cuối năm nay, IHG sẽ khai trương voco Scenia Bay Nha Trang, và một khách sạn hạng sang mới tại quận 1. Đại diện IHG cho biết hiện chưa thể tiết lộ, nhưng sẽ sớm công bố.

Về kinh doanh, 5 tháng đầu năm 2025, IHG cho biết tỷ lệ lấp đầy toàn hệ thống tăng 13,2% và doanh thu trên mỗi phòng khả dụng (RevPAR) tăng khoảng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn ở Việt Nam. Chúng tôi đã thành lập đội ngũ vận hành tại Việt Nam từ năm 2022 để hỗ trợ các khách sạn và chủ đầu tư. Hiện chúng tôi có 3.500 nhân sự tại Việt Nam và dự kiến tạo thêm 1.000 việc làm mới trong năm nay ”, ông Vivek Bhalla nhấn mạnh.

Về tiềm năng của thị trường, Việt Nam đang thu hút nhu cầu du lịch mạnh mẽ, với 10,7 triệu lượt khách quốc tế trong nửa đầu năm 2025, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 26% so với năm 2019. Con số này đã đạt một nửa mục tiêu đón 22–23 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.

Việt Nam hiện dẫn đầu khu vực về tốc độ phục hồi du lịch, khôi phục 98% hoạt động so với năm 2019, vượt xa Thái Lan (87,5%) và Singapore (86%), đồng thời trở thành điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Năm 2024, Việt Nam đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 40% so với năm trước, xếp thứ ba trong khu vực, sau Thái Lan (35 triệu) và Malaysia (25 triệu). Chính phủ dự báo năm 2025 sẽ là năm kỷ lục về du lịch, với kỳ vọng đón 23 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa mức 18 triệu trước đại dịch năm 2019, cùng 120 triệu lượt khách nội địa, tăng từ 110 triệu lượt năm 2019. Nhu cầu du lịch ngắn ngày và nội vùng chính là động lực quan trọng thúc đẩy đà tăng trưởng này.

Nửa đầu năm 2025, Việt Nam ghi nhận 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 21% so với cùng kỳ và kỳ vọng sẽ đạt 23 triệu lượt vào cuối năm 2025, vượt qua mức cao nhất trước đại dịch là 18 triệu lượt.

Hiện, việc sáp nhập tỉnh thành, đặc biệt là Tp.HCM mới đang mở ra cơ hội lớn hơn. Theo IHG, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong việc nâng tầm vị thế của đất nước trên bản đồ du lịch thế giới, và Tp.HCM là một phần quan trọng trong thành công đó.

Đặc biệt, yếu tố then chốt liên quan đến khả năng tiếp cận – bao gồm hạ tầng, kết nối giao thông và mở rộng các đường bay đang được xúc tiến. Nhìn chung, Tp.HCM có cơ hội lớn để khai thác xu hướng “blended travel” – nơi du khách kết hợp chuyến đi công tác với nghỉ dưỡng. Bởi, Thành phố mới có lợi thế lớn nhờ sự đa dạng: vừa có nhà máy, văn phòng phục vụ công việc, vừa có bãi biển, sản phẩm văn hóa và các trải nghiệm phong phú. Đây là tiềm năng lớn để phát triển mạnh mẽ hơn phân khúc “blended travel” tại Tp.HCM.