Trước khi trích lập dự phòng, ngân hàng nào lãi nhất? Nhà băng top 1 bỏ xa phần còn lại, Vietcombank tăng một hạng nhưng chỉ đứng thứ 4

Trước trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, lợi nhuận 10 ngân hàng quý 1/2025 ghi nhận tăng trưởng so với quý 4/2024, trong khi cớ tới 17 ngân hàng suy giảm.

Trước khi trích lập dự phòng, ngân hàng nào lãi nhất? Nhà băng top 1 bỏ xa phần còn lại, Vietcombank tăng một hạng nhưng chỉ đứng thứ 4- Ảnh 1.

Theo số liệu thống kê từ 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán, lợi nhuận trước dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng trên sàn chứng khoán quý I/2025 đạt 113.398 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,43% so với quý trước (115.045 tỷ đồng) nhưng là quý lãi lớn thứ 2 từ trước tới nay. Tuy mức giảm không lớn, nhưng sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng và sự thay đổi vị trí xếp hạng là những điểm nổi bật đáng chú ý.

Trước khi trích lập dự phòng, ngân hàng nào lãi nhất? Nhà băng top 1 bỏ xa phần còn lại, Vietcombank tăng một hạng nhưng chỉ đứng thứ 4- Ảnh 2.

VietinBank vượt BIDV, trở thành ngân hàng dẫn đầu

Quý I/2025 ghi nhận sự hoán đổi vị trí ở nhóm đầu. VietinBank vươn lên vị trí số 1 với 14.934 tỷ đồng lợi nhuận trước dự phòng, tăng 1,5% so với quý IV/2024. Trong khi đó, BIDV – “ông lớn” có truyền thống dẫn đầu bảng xếp hạng – lại tụt xuống vị trí thứ hai với 11.992 tỷ đồng, giảm mạnh 29,6% so với quý trước.

VPBank là ngân hàng có mức giảm sâu nhất trong nhóm dẫn đầu khi lợi nhuận trước dự phòng giảm 15,6%, xuống còn 11.692 tỷ đồng. Mặc dù VPBank tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 nhưng khoảng cách với nhóm sau bị rút ngắn đáng kể. 

Ở phía sau, Vietcombank tăng trưởng 8,8%, đạt 11.612 tỷ đồng, vượt qua MB để lên vị trí thứ 4, khi MB quý này gần như chỉ đi ngang.

Trước khi trích lập dự phòng, ngân hàng nào lãi nhất? Nhà băng top 1 bỏ xa phần còn lại, Vietcombank tăng một hạng nhưng chỉ đứng thứ 4- Ảnh 3.

Nhóm giữa: Sự nổi bật của Techcombank, SeABank và Nam A Bank

Techcombank là một trong những điểm sáng đáng chú ý nhất của quý này với mức tăng trưởng tới 73%, từ 4.814 tỷ lên 8.326 tỷ đồng. Điều này giúp Techcombank tăng liền ba bậc trên bảng xếp hạng, lên vị trí thứ 6, vượt qua cả ACB và SHB. Báo cáo tài chính Techcombank cho thấy, mức tăng vọt kỳ này chủ yếu đến từ giảm mạnh chi phí hoạt động, trong khi các hoạt động kinh doanh đồng loạt được cải thiện.

SeABank cũng ghi nhận mức tăng trưởng đột biến 130,2%, đưa lợi nhuận trước dự phòng từ 2.079 tỷ lên 4.786 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ 2.607 tỷ đồng thu nhập từ hoạt động góp vốn mua cổ phần. Kết quả này giúp SeABank tăng tới 6 bậc, lên vị trí thứ 10 – mức cao nhất của ngân hàng này trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Ở nhóm nhỏ hơn, Nam A Bank cũng có sự cải thiện đáng kể khi lợi nhuận tăng 24,1%, vươn lên vị trí 16.

Nhiều ngân hàng giảm lãi

Trái ngược với 10 ngân hàng tăng lợi nhuận, là 17 ngân hàng giảm lợi nhuận. BIDV giảm mạnh nhất trong nhóm ngân hàng lớn, khiến ngân hàng tụt 1 hạng. Ngoài ra, các ngân hàng như SHB, LPBank, VIB, TPBank, MSB đều có mức giảm lợi nhuận trên 10%.

Các ngân hàng giảm mạnh nhất kỳ này gồm Eximbank (-53,8%), OCB (-41%), Bac A Bank (-34,2%), Vietbank (-51,2%). 

Trước khi trích lập dự phòng, ngân hàng nào lãi nhất? Nhà băng top 1 bỏ xa phần còn lại, Vietcombank tăng một hạng nhưng chỉ đứng thứ 4- Ảnh 4.

Theo dự báo của SSI Research, ngành ngân hàng năm 2025 sẽ đối mặt nhiều thách thức, gồm tăng trưởng tín dụng chậm lại, áp lực nợ xấu gia tăng và quy định mới siết chặt an toàn vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng duy trì được cơ cấu thu nhập đa dạng, quản trị rủi ro tốt sẽ tiếp tục giữ lợi thế dẫn đầu và có dư địa tăng trưởng dài hạn .