Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Phạm Nhật Vượng, Hồ Hùng Anh: Ai có siêu kế hoạch tham vọng nhất Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo muốn đưa ngân hàng lên hàng tài sản 1 triệu tỷ, ông Hồ Hùng Anh hướng tới mục tiêu đưa giá trị Techcombank lên 20 tỷ USD. Trong khi đó, ông Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long đều đặt mục tiêu doanh thu cao nhất lịch sử.

Tại mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, các tỷ phú USD hàng đầu Việt Nam đã đưa ra hàng loạt cam kết táo bạo nhằm khẳng định tầm nhìn dài hạn và quyết tâm dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua thách thức.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Kế hoạch tham vọng với 'nỗ lực khác thường'

Năm 2025, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng công bố mục tiêu đầy tham vọng. Cụ thể doanh thu đạt 300.000 tỷ đồng (cao nhất lịch sử) và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng trong năm nay, tăng lần lượt 59% và 90% so với năm 2024.

Ông Vượng thừa nhận đây là kế hoạch "rất lớn và không dễ đạt được", nhưng khẳng định ban lãnh đạo sẽ nỗ lực tối đa để không chỉ hoàn thành mà còn vượt mục tiêu đề ra.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Phạm Nhật Vượng, Hồ Hùng Anh: Ai có siêu kế hoạch tham vọng nhất Việt Nam?- Ảnh 1.

Động lực chính cho kế hoạch này đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản và sự tăng trưởng của VinFast. Trong quý I/2025, Vingroup đã ghi nhận doanh thu kỷ lục 84.053 tỷ đồng, tăng 287% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tăng trưởng tích cực từ các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phát triển bất động sản.

Ông Vượng nhấn mạnh rằng sự khác biệt của Vingroup nằm ở "nỗ lực khác thường", với tinh thần "cày ngày, cày đêm, nỗ lực sáng tạo" để đạt được các mục tiêu đề ra.

Kết thúc quý 1/2025, Tập đoàn Vingroup ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 84.053 tỷ đồng, tăng trưởng 287% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.243 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ. Tại ngày 31/03/2025, tổng tài sản Vingroup đạt 823.270 tỷ đồng.

Tỷ phú Trần Đình Long: Quân tử phòng thân nhưng vẫn đặt kế hoạch doanh thu cao nhất lịch sử

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát – ông Trần Đình Long – đã nhấn mạnh triết lý quản trị "Quân tử phải phòng thân" như một lời cảnh báo về những bất ổn kinh tế toàn cầu.

Ông cho rằng doanh nghiệp cần vận hành bài bản, thận trọng và chuẩn bị cho cả những kịch bản xấu nhất, nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh đầy biến động .

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Phạm Nhật Vượng, Hồ Hùng Anh: Ai có siêu kế hoạch tham vọng nhất Việt Nam?- Ảnh 2.

Trong bối cảnh đó, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 170.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2024, và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 15.000 tỷ đồng, tăng 25%. Đây là mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay của tập đoàn.

Để đạt được mục tiêu này, ông Long cho biết Hòa Phát đã hoàn tất giai đoạn 1 của dự án Dung Quất 2 và đang đẩy mạnh sản xuất các loại thép chất lượng cao nhằm thay thế hàng nhập khẩu. Đồng thời, tập đoàn cam kết cung cấp 10 triệu tấn thép phục vụ các dự án đường sắt quốc gia, đảm bảo chất lượng, tiến độ và giá cả cạnh tranh .

Ngoài ra, ông Long cũng chia sẻ rằng từ năm 2025, Hòa Phát có thể chia cổ tức tiền mặt trở lại cho cổ đông sau ba năm không chia, thể hiện sự cân đối giữa đầu tư phát triển và quyền lợi của cổ đông.

Trong quý I, Hòa Phát đã ghi nhận doanh thu 37.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 3.300 tỷ đồng. Như vậy, để hoàn thành kế hoạch năm, trung bình mỗi quý còn lại, tập đoàn cần lãi khoảng 4.000 tỷ đồng. Dù đây là mục tiêu không dễ dàng, ông Long khẳng định không điều chỉnh kế hoạch, coi đây vừa là thử thách vừa là cơ hội.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Trở thành nền tảng tiêu dùng tích hợp như Walmart, Amazon, Alibaba...

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Chủ tịch Masan Group – tỷ phú Nguyễn Đăng Quang công bố chiến lược mới nhằm đưa tập đoàn trở thành một nền tảng tiêu dùng tích hợp, tương tự như các tập đoàn toàn cầu như Walmart, Amazon hay Alibaba.

Ông nhấn mạnh rằng chuyển đổi số là "mảnh ghép cuối cùng" để Masan vượt khỏi hình ảnh của một tập đoàn truyền thống, xóa bỏ định kiến về đa ngành và vươn lên trở thành một nền tảng tiêu dùng tích hợp.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Phạm Nhật Vượng, Hồ Hùng Anh: Ai có siêu kế hoạch tham vọng nhất Việt Nam?- Ảnh 3.

Về kế hoạch tài chính, Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất năm 2025 từ 80.500 tỷ đồng đến 85.500 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt từ 4.875 tỷ đồng đến 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng từ 14% đến 52% so với năm trước.

Quý 1/2025, Masan ghi nhận 18.897 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 0,2% so với cùng kỳ. NPAT Post-MI (LNST sau lợi ích cổ đông thiểu số, lợi nhuận ròng) đạt 394 tỷ đồng, tăng mạnh 278,8% so với cùng kỳ.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: Mục tiêu đưa tổng tài sản HDBank 1 triệu tỷ đồng

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) công bố mục tiêu chiến lược đưa tổng tài sản của ngân hàng đạt mốc 1 triệu tỷ đồng trong thời gian tới.

Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của HDBank đã đạt gần 700.000 tỷ đồng.

Bà nhấn mạnh rằng HDBank không chỉ hướng đến quy mô lớn, mà còn chú trọng vào chất lượng, tính nhân văn và sự tử tế trong từng quyết sách chiến lược.

Bà Thảo cũng chia sẻ rằng, nếu nhà đầu tư góp vốn vào HDBank trước thời điểm IPO cách đây 7 năm, thì đến cuối năm 2024, khoản đầu tư đó đã tăng giá trị lên khoảng 4,4 lần. Điều này thể hiện hiệu quả trong chiến lược phát triển bền vững và minh bạch của ngân hàng.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Phạm Nhật Vượng, Hồ Hùng Anh: Ai có siêu kế hoạch tham vọng nhất Việt Nam?- Ảnh 4.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, HDBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 21.179 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2024. Các chỉ tiêu tài chính khác cũng được kỳ vọng ở mức cao, với ROE đạt 26,2% và ROA đạt 2,15%. Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, nhằm củng cố nội lực và mở rộng thị trường quốc tế.

Trong quý 1 năm 2025, HDBank ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận trước thuế đạt 5.355 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, HDBank đã hoàn thành 25,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2025.

Tỷ phú Hồ Hùng Anh: Vốn hóa Techcombank hướng tới 20 tỷ USD vào cuối năm nay

Chủ tịch Techcombank – ông Hồ Hùng Anh tái khẳng định mục tiêu đầy tham vọng: đưa vốn hóa thị trường của ngân hàng đạt 20 tỷ USD, tương đương 520.000 tỷ đồng vào cuối năm nay.

Tại ngày 29/4/2025, giá trị vốn hóa thị trường của Techcombank đạt gần 186.000 tỷ đồng - bằng 36% giá trị vốn hóa mục tiêu.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Phạm Nhật Vượng, Hồ Hùng Anh: Ai có siêu kế hoạch tham vọng nhất Việt Nam?- Ảnh 5.

Ông nhấn mạnh rằng, với vốn chủ sở hữu hiện tại khoảng 174.000 tỷ đồng và kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, việc cải thiện hệ số P/B lên mức 2-2,5 lần là hoàn toàn khả thi trong bối cảnh thị trường đang dần hồi phục và niềm tin đầu tư trở lại.

Để hiện thực hóa mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD, Techcombank đang đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng hệ sinh thái tài chính và chuẩn bị IPO công ty con TCBS. Chủ tịch Hồ Hùng Anh tin tưởng rằng, khi thời điểm chín muồi, giá trị của Techcombank sẽ bùng nổ.

Trong quý I/2025, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 7.236 tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động đạt 11.600 tỷ đồng, giảm 5,3% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Techcombank đạt 989.200 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Tín dụng tăng trưởng 3,84% so với đầu năm, đạt 665.300 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 21,9% so với cùng kỳ, đạt 569.855 tỷ đồng.