Vì sao bão số 3 liên tục thay đổi cấp độ? Tỉnh nào sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất?

Bão số 3, có tên quốc tế là Wipha, đang di chuyển áp sát đất liền và được dự báo sẽ đổ bộ ngày 22/7.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến 9h sáng ngày 21/7, vị trí tâm bão ở khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất đạt cấp 9 (75–88 km/h), giật cấp 11. Trong 3 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15–20 km/h.

Cường độ thay đổi bất thường do ảnh hưởng địa hình và nguồn ẩm

Điều đáng chú ý là cường độ của bão số 3 liên tục thay đổi, có lúc tăng cấp, sau đó lại giảm. Giải thích trong chương trình: Chào buổi sáng (VTV), ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia – cho biết: Ngay sau khi vào biển Đông, bão đã liên tục mạnh lên. Trong ngày 20/7, cường độ duy trì ở mức cấp 11–12 trong thời gian khá dài, do gặp điều kiện thuận lợi về khí quyển và đại dương, đặc biệt là nguồn ẩm liên tục được bổ sung.

Vì sao bão số 3 liên tục thay đổi cấp độ? Tỉnh nào sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất?- Ảnh 1.

Bão số 3 đang di chuyển tiến sát đất liền.

Tuy nhiên, từ tối 20/7 đến sáng 21/7, khi bão tiếp cận vùng ven biển tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), do tương tác với địa hình, năng lượng bị suy giảm, cường độ đã giảm khoảng 3 cấp. Lúc này, tâm bão nằm ở phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) với sức gió khoảng cấp 9.

Dự báo trong ngày 21/7, khi đi vào vịnh Bắc Bộ, bão sẽ tiếp tục mạnh lên thêm 1–2 cấp do nguồn ẩm và năng lượng được tăng cường.

Theo các chuyên gia, nhiệt độ bề mặt đại dương đang tăng lên do biến đổi khí hậu là một trong những yếu tố thúc đẩy sự hình thành và tăng cường độ của các cơn bão. Nước biển ấm như nhiên liệu giúp bão tăng tốc. 

Đây là xu hướng không hiếm trong những năm gần đây, khi các cơn bão có xu hướng tăng cấp nhanh và gây mưa kỷ lục, điều từng xảy ra với các cơn bão như Doksuri (2017) hay Noru (2022).

Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), biến đổi khí hậu không nhất thiết làm tăng số lượng bão mỗi năm, nhưng khiến chúng trở nên khó lường hơn, mạnh hơn và kéo dài hơn. 

Tỉnh nào chịu ảnh hưởng nặng nhất?

Theo ông Khiêm, dự kiến ngày mai (22/7), bão sẽ đổ bộ vào đất liền Việt Nam, với trọng tâm là khu vực Nam Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình và Thanh Hóa. Tuy nhiên, hoàn lưu bão số 3 có phạm vi rộng, đặc biệt là phía Tây và phía Nam. Từ ngày 20/7, khu vực vịnh Bắc Bộ đã bắt đầu có mưa lớn kéo dài. Tại đất liền, những dải mây ngoài rìa của hoàn lưu cũng gây mưa rải rác ở khu vực Bắc Bộ.

Từ trưa nay (21/7), mưa và gió sẽ bắt đầu tăng dần. Một số khu vực như: đảo Bạch Long Vĩ, đảo Cô Tô, đảo Cát Hải có thể có gió mạnh cấp 9–10, vùng gần tâm bão có thể giật cấp 11–14.

Ông Khiêm khuyến cáo người dân cần chủ động ứng phó với gió mạnh và mưa lớn trên vịnh Bắc Bộ và khu vực ven biển. Gió giật cấp 14 có thể làm lật tàu thuyền nếu không có nơi tránh trú an toàn.

Trên đất liền, gió mạnh cấp 9–10, giật cấp 12 có thể xảy ra tại vùng tâm bão. Khu vực sâu trong đất liền cũng có thể ghi nhận gió cấp 6, giật cấp 8–9. Những khu vực cần đặc biệt lưu ý bao gồm: ven biển Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An.

Mưa lớn diện rộng, nguy cơ sạt lở và lũ quét

Ngoài gió mạnh, bão số 3 được dự báo sẽ gây mưa lớn trên diện rộng tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trọng tâm mưa tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An, với lượng mưa cục bộ có thể lên tới 600mm.

Ông Khiêm nhấn mạnh: "Do ảnh hưởng kéo dài của bão, tổng lượng mưa sẽ rất lớn, làm tăng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt tại khu vực miền núi".

Dù không thể đổ lỗi hoàn toàn cho biến đổi khí hậu với mỗi cơn bão, nhưng rõ ràng, chúng ta đang chứng kiến tác động ngày càng rõ rệt của khí hậu đến thời tiết cực đoan. Những cơn bão như Wipha là lời nhắc nhở về sự cần thiết phải tăng cường năng lực dự báo, thích ứng khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.