Ông Trần Gia Long - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) - khẳng định: “Sáu tháng đầu năm nền kinh tế thế giới có rất nhiều biến động, tuy nhiên sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn phát triển ổn định, tăng trưởng khá”.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) tháng 6 năm 2025 ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng 6 năm 2024; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm 2025 đạt 33,8 tỷ USD.
Một số mặt hàng nông sản chính có sự tăng trưởng mạnh gồm: Cà phê, chè, sắn, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ...

Sản xuất nông nghiệp nước ta phát triển ổn định trong sáu tháng đầu năm. Ảnh: Cảnh Kỳ
Xét theo vùng lãnh thổ, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất NLTS của Việt Nam . So với cùng kỳ năm trước, ước trị giá xuất khẩu NLTS của Việt Nam 6 tháng đầu năm sang khu vực châu Á tăng 2,3%; châu Mỹ tăng 18,7%...
Cụ thể, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu NLTS của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Mỹ tăng 16%, Trung Quốc giảm 0,7%, và Nhật Bản tăng 25%.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&MT cho biết: “Cơ cấu thị trường có sự thay đổi rõ rệt. Năm nay, thị trường Mỹ tăng mạnh so với những năm trước, lấn át thị phần của Trung Quốc tạo nên thế cân bằng giữa thị trường Mỹ và Trung Quốc.”
Bên cạnh xuất khẩu tăng, nhập khẩu cũng tăng tương đương, kim ngạch nhập khẩu NLTS tháng 6 ước đạt 4,21 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024; đưa tổng kim ngạch nhập khẩu NLTS 6 tháng đầu năm đạt 24 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024.
Xét theo vùng lãnh thổ, Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng NLTS nhiều nhất từ các thị trường thuộc khu vực châu Á và châu Mỹ với thị phần lần lượt là 31% và 24,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu NLTS của Việt Nam 6 tháng đầu năm từ khu vực châu Á tăng 21,8%; châu Mỹ tăng 11%.
Trung Quốc và Mỹ là 2 thị trường cung cấp các mặt hàng NLTS lớn nhất cho Việt Nam.
Trước bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong nước hiện nay, ông Phùng Đức Tiến nói “Chủ trương “Phát triển ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp từ sản xuất đến chế biến tạo giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và phát triển thị trường, giải quyết đầu ra cho sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu” tiếp tục là định hướng xuyên suốt trong việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam giai đoạn mới.”
Để tiếp tục gia tăng giá trị, Bộ NN&MT tập trung chủ động xây dựng , triển khai, điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng phó phù hợp, kịp thời với diễn biến thị trường, nhằm hạn chế mất cân đối cung cầu và biến động giá cả.
Bên cạnh đó, bộ này cũng đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tập trung nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ nhằm khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, bảo đảm ổn định đầu ra cho nông sản...