Về tăng giá xăng dầu, việc sản xuất của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có suy giảm sản lượng là 1 trong những lý do khiến cho giá xăng tăng. Nguyên nhân 1 số cửa hàng đóng cửa là do kênh phân phối và điều phối kênh phân phối chưa tốt. Chuyện này là nhỏ nhưng gây tâm lý không tốt cho người tiêu dùng.
Xăng dầu mặt hàng thuộc dạng bình ổn, cố gắng để xăng dầu không làm ảnh hưởng đến lạm phát, tăng trưởng kinh tế. Đối với biện pháp dài hơi để ổn định giá xăng dầu, xây thêm nhà máy tại Vũng Tàu, đồng thời gia tăng các giàn khoan dầu.
Giảm thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng là chưa hợp lý
Bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, cho rằng việc nghiên cứu giảm thuế hiện nay để giúp giảm giá xăng dầu là hợp lý, giảm bớt áp lực giá cho người tiêu dùng. Song nếu giảm thuế bảo vệ môi trường xăng, dầu, theo bà, lại chưa thực sự hợp lý.
Theo bà, bảo vệ môi trường bản chất đánh vào các mặt hàng gây ô nhiễm và mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm. Giảm thuế này với xăng dầu sẽ bất hợp lý, vì đối tượng gây ô nhiễm cao chịu thuế suất thấp, ngược lại đối tượng gây ô nhiễm thấp lại chịu thuế cao.
Ngoài ra, xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định, chịu thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng, nhưng nếu bán ra sau thời điểm giảm thuế thì sẽ lỗ. Điều này chưa phù hợp điều hành giá cả, đảm bảo lợi ích các bên. Nếu chọn sắc thuế khác không phát sinh nghịch lý này.
Ghi nhận ý kiến của bà Mai, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, chọn giảm sắc thuế nào, liên Bộ đã cân nhắc, báo cáo Chính phủ.
Có bất hợp lý trong dự trữ bắt buộc quốc gia liên quan đến xăng dầu
Bàn về vấn đề dự trữ quốc gia, theo quy định của pháp luật, xăng dầu có nguồn dự trữ quốc gia, với sản lượng tiêu thụ như hiện tại thì có thể dùng đủ cho 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, quốc gia chưa có hệ thống kho riêng nên đã giao việc này cho các doanh nghiệp đầu mối. Đây là việc bất hợp lý nên bộ sẽ xem xét vấn đề này, nâng cao dự trữ.
Các doanh nghiệp đầu mối có thực hiện dự trữ bắt buộc hay không thì nó là 1 ẩn số. Nếu tách bạch được dự trữ quốc gia và dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối thì việc vận hành, kiểm tra, kiểm soát của chúng ta mới tốt.
Việc đấu giá 100 triệu lít xăng dầu thực chất là việc chuyển đổi hàng dự trữ từ xăng Ron 92 sang Ron 95 để việc sử dụng thông dụng hơn. Đây là việc làm bình thường, nói việc làm này để tăng thêm nguồn cung là điều chưa đúng.
Bộ Công thương chỉ được đề xuất quy trình, còn các bộ ngành khác sẽ thực hiện việc này.
Chu kỳ điệu hành giá thay đổi đã có bước tiến rất rõ
Điều hành giá xăng dầu 10 ngày 1 lần đã có bước tiến rất rõ. Việc đưa ra chu kỳ điều hành này phù hợp với biến động chung của tình hình thế giới.
Việc này là đề xuất của liên ngành do tập thế Chính phủ quyết định, phù hợp với hạch toán của các doanh nghiệp và chu kỳ tính CPI. Việc điều hành dày hơn như thế này phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.

Ảnh: Hoàng Linh
Tại sao giá xăng dầu trong nước chưa giảm?
Bàn về vấn đề giảm giá xăng dầu, Bộ trưởng Diên nhấn mạnh: "Có giảm hay không tùy thuộc vào tình hình giá thế giới. Chúng tôi cam kết là khi giá thế giới tăng cao là chúng tôi tham mưu để kìm giá xăng dầu trong nước tăng ở mức có thể chấp nhận được".
Để làm được vấn đề này thì cần Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo Bộ trưởng, bối cảnh thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước thì việc duy trì Quỹ bình ổn rất quan trọng, nhưng quỹ có hạn, hiện chỉ khoảng 600 tỷ đồng trong khi quỹ này tại nhiều doanh nghiệp đã âm lớn.
Khi hiện quỹ này không còn nhiều, hai Bộ đã đề xuất và Chính phủ có Nghị quyết đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Nếu chính sách này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, áp dụng từ 1/4 tới thì "hy vọng giá sẽ giảm".
3 biện pháp để bình ổn giá xăng dầu trong nước
Điều Huỳnh Sang đoàn Bình Phước chia sẻ những khó khăn trong điều hành giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu tăng sẽ gây giãn đoạn nguồn cung ứng trong nước trong khi đó, nhà máy trong nước gặp khó khăn. Nếu không có biện pháp căn cơ thì việc bình ổn giá sẽ gặp khó.
Để đảm bảo việc nguồn cung ổn định, theo Bộ trưởng Diên đã đưa ra 3 đề xuất. Trước hết, đẩy mạnh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Thứ hai, Bộ tham mưu Chính phú để tăng cường thêm nữa Quỹ bình ổn.
Thứ ba, Bộ tham mưu các cấp để tăng lượng dự trữ, dự phòng quốc gia. Thay vì dự trữ bằng tiền thì có thể dự trữ bằng hàng, gấp chục lần so với hiện nay.
Vai trò của nhà máy lọc dầu trong nước ra sao?
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đoàn Kiên Giang: Nguồn cung của Việt không thiếu, Việt Nam tăng nhập khẩu, như vậy, chúng ta sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu, vậy các nhà máy trong nước có vai trò như thế nào trong việc bình ổn giá? Ngoài việc sử dụng Quỹ bình ổn giá thì có biện pháp nào căn cơ hơn để điều chỉnh giá trên thị trường?
Cùng quan điểm đó, đại biểu đoàn Bắc Giang đề cập đến vấn đề các vấn đề nội tại của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp khó khăn trong cung ứng xăng dầu.
Bộ trưởng Diên chia sẻ, nhiều quốc gia không có nhà máy lọc dầu nhưng cũng không thiếu xăng dầu. Nghi Sơn hiện gặp khó khăn trong vấn đề tài chính. Nguyên liệu đầu vào của Nghi Sơn lại nhập hoàn toàn từ Kuwait. Hiện tại, đang có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguồn cung. Đến khi nào Nghi Sơn đảm bảo thì sẽ ngừng nhập khẩu.
Tại sao giá xăng thế giới tăng cao hơn trong nước?
Đại biểu Trần Văn Sáu đoàn Đồng Tháp chất vấn: Giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu biến động trên 40% - 60% nhưng giá xăng trong nước tăng không đồng nhất, điều hành tăng 29 -40%, điều này gây thiệt hại cho ai?
Việc tăng giá xăng dầu thấp hơn so với giá thể giới, Bộ trưởng Diên cho hay, nguyên nhân là do Bộ Công thương cùng với Bộ Tài chính đã sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn xăng dầu.
"Nếu không trích lập Quỹ từ 500 - 1.000/lít/kỳ điều hành thì không có việc giá bán lại tăng ở mức độ thấp hơn so với giá của thế giới. Hiện tại, nguồn quỹ này đã dần cạn kiệt, không còn nữa thì chúng tôi đã trình Quốc hội giãn thuế bảo vệ môi trường. Nếu quỹ này mà cạn thì chúng tôi sẽ nghiên cứu giảm các nguồn khác để bình ổn, hỗ trợ giá xăng dầu", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhiều biện pháp để kìm giá xăng dầu tăng
Theo Bộ trưởng bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn cung của thế giới, nguồn cung của nhà máy sản xuất trong nước cũng như ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Điều này đã khiến cho giá mặt hàng xăng dầu tăng cao, gây ảnh hưởng đến người dân và các doanh nghiệp.
Liên quan đến việc giá xăng dầu tăng cao trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, bộ đã có nhiều biện pháp để giảm giá xăng dầu như việc tham mưu giảm giá thuế bảo vệ môi trường.
Hiện tại, chúng ta có 17.000 cửa hàng bán lẻ, Cục quản lý thị trường đã kiểm tra 16.800 cửa hàng và xử lý các cửa hàng găm hàng tăng giá. Một số cửa hàng đóng cửa, treo biển hết hàng là do các cửa hàng này nhận xăng dầu trực tiếp từ nhà máy Nghi Sơn nên đã gặp khó khăn trong việc cung ứng đủ nguồn hàng.

Bộ trưởng bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên
--------------------------------------------
Sáng hôm nay, phiên chất vấn, trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã chính thức được diễn ra.
Trong buổi sáng, sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải sẽ điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương.
Nội dung chất vấn, trả lời chất vấn sẽ tập trung vào tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua. Trách nhiệm trả lời chính sẽ thuộc Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.
--------------------------------------------
Trước đó, tình hình giá xăng dầu trong nước đã liên tục leo thang với 7 lần liên tiếp tăng giá bán lẻ. Lần gần đây nhất là hôm 11/3 vừa qua, Giá xăng E5 RON 92 tăng 2.908 đồng, RON 95 tăng 2.990 đồng, dầu hỏa tăng 3.940 đồng/lít, dầu diesel tăng 3.950 đồng/lít và dầu mazut tăng 2.520 đồng/kg.
Sau khi điều chỉnh giá, giá bán tối đa cho xăng E5 RON 92 là 28.985 đồng/lít, xăng RON 95 là 29.824 đồng/lít, dầu hỏa là 23.910 đồng/lít, dầu diesel là 25.260 đồng/lít và dầu mazut là 20.980 đồng/kg. Đây cũng là đợt tăng giá mạnh nhất của mặt hàng xăng dầu từ trước đến nay.

Giá xăng dầu hiện hành tại Tập đoàn xăng dầu Việt Nam - Petrolimex.
Mặc dù giá tăng mạnh nhưng mặt hàng xăng dầu của Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Theo dữ liệu thống kê của quốc tế, ở Việt Nam thuộc hàng rẻ so với nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở Đông Nam Á, Malaysia, Indonesia và Campuchia là 3 nước có giá xăng thấp hơn Việt Nam. Các nước như Singapore, Brunei, Thái Lan, Philippines, Lào và Myanmar có giá xăng cao hơn Việt Nam.

Giá xăng RON95 của Việt Nam so với các nước Đông Nam Á (đồng/lít). Nguồn: Global Petrol Prices.
Trước tình hình tăng giá xăng dầu liên tiếp trong thời gian gần đây, hôm qua, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo đó, đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
https://soha.vn/truc-tiep-nhieu-yeu-to-tac-dong-den-viec-gia-xang-dau-trong-nuoc-tang-cao-20220315225113028.htm