Tín dụng xanh chiếm 4,6% dư nợ toàn nền kinh tế
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: Tín dụng xanh và thực thi ESG là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững, là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, là giải pháp giúp các TCTD định hướng lại hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, qua đó khẳng định vị thế, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng cơ hội hợp tác, kinh doanh; đồng thời, đối với doanh nghiệp, tín dụng xanh là nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao, cải tiến công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ông Đào Minh Tú nhận định, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, cơ hội để phát triển tín dụng xanh, nhờ có các định hướng, quy định rất rõ ràng.
Thứ nhất, Luật Bảo vệ môi trường (2020) và các văn bản hướng dẫn Luật đã quy định về tín dụng xanh, lộ trình phát triển tín dụng xanh, các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển tín dụng xanh, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh qua các giai đoạn, các Nghị quyết gần đây của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, cho thấy quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện "chuyển đổi xanh – chuyển đổi số", phát triển nhanh và bền vững để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế 2 con số giai đoạn 2026-2030. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều đặt nhiệm vụ, yêu cầu cho ngành ngân hàng phải thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh;
Thứ ba, trên cơ sở các khung chính sách này, thời gian qua, ngành ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt, chủ động, triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh và đã đạt nhiều kết quả tích cực về nhận thức, số lượng các TCTD tham gia tài trợ vốn cho các lĩnh vực xanh, quy mô và tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh: Từ chỗ chỉ có 15 TCTD tham gia năm 2017, đến nay đã có 50 đơn vị phát sinh dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trên 22%/năm, năm sau cao hơn năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế.
"Những con số này rất đáng khích lệ, tuy nhiên tỷ lệ tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng mới chiếm khoảng 4,6%, cho thấy tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc đẩy nhanh, tận dụng dư địa đó", ông Tú đánh giá.
Tại Hội nghị, Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tính đến 31/12/2024, đã có 48 TCTD cho vay với dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680 nghìn tỉ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2023, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%) và nông nghiệp xanh (trên 29%); tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017 - 2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế. Đến nay, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,6 triệu tỉ đồng, tăng trên 26% so với cuối năm 2023.
Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng xanh
Từ thực tế quá trình doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng xanh, ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long cho hay, doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn khi tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là nguồn tín dụng xanh nên coi đây gần như là một việc quá xa vời.
"Vì chưa có tiêu chí xanh cho từng ngành, từng lĩnh vực nên khi làm việc với ngân hàng, doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn ưu đãi. Với 1 nhà máy xử lý chất thải và sản xuất nông nghiệp tuần hoàn đã xây dựng được hơn 10 năm, nhưng khi doanh nghiệp tiếp cận nhiều ngân hàng, mất rất nhiều công làm hồ sơ nhưng vẫn không thể tiếp cận được vốn tín dụng xanh", ông Thắng chia sẻ.
Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo hạn chế, không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chứ chưa nói gì đến việc tín dụng xanh mặc dù các dự án xanh đòi hỏi đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài: Trong sản xuất nông nghiệp chúng tôi không có tài sản thế chấp truyền thống, không thể dùng tài sản hình thành của dự án để thế chấp khoản vay mà thường phải dùng tài sản khác ngoài dự án để đảm bảo cho khoản vay.
Ngoài ra, rủi ro và hiệu quả tài chính của kinh tế xanh chưa hấp dẫn nên Ngân hàng cũng không mặn mà đối với các dự án xanh.

Ông Lê Quang Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu Tư và Xây Dựng Việt Long
Nhận thấy tín dụng xanh được coi là hướng đi tất yếu để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nhưng ông Thắng nhận định đến thời điểm hiện tại tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn rất thấp so với kỳ vọng. Do vậy ông Thắng đề nghị Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước có chính sách đặc thù cho phát triển kinh tế xanh, phải có tín dụng xanh cho sự phát triển của đất nước.
Qua lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank rất chia sẻ với câu chuyện của doanh nghiệp khi gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay xanh. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp cá biệt – rất nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp những vướng mắc tương tự trong quá trình tiếp cận tín dụng xanh.
Trong quá trình triển khai các dự án tín dụng xanh, Agribank cũng thấy rõ nhiều bất cập. Theo số liệu thống kê, hiện Agribank có khoảng 29.000 tỷ đồng được phân loại là tín dụng xanh, nhưng thực tế con số này có thể còn lớn hơn – do nhiều khoản vay chưa thể xác định đúng danh mục vì chưa có khung phân loại chính thức.
"Cho đến nay, vẫn chưa có Nghị định hoặc hệ thống danh mục phân loại xanh cụ thể để làm cơ sở xác định dự án đủ điều kiện tín dụng xanh. Điều này khiến nhiều khoản vay tiềm năng không thể được thống kê hoặc tiếp cận đúng theo chính sách", bà Bình cho hay.

Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank
Theo đại diện Agribank, việc phát triển tăng trưởng xanh là tất yếu, nhưng để ngân hàng và doanh nghiệp gặp được nhau, rất cần cơ chế hỗ trợ rõ ràng và đồng bộ.
Vì vậy, Agribank có 2 kiến nghị:
Thứ nhất, cần sớm ban hành hệ thống phân loại xanh thống nhất với các tiêu chí cụ thể, để ngân hàng có căn cứ thẩm định và triển khai cho vay.
Thứ hai, Agribank là ngân hàng có đặc thù huy động vốn chủ yếu từ dân cư – khoảng 80% là tiền gửi kỳ hạn dài với lãi suất cao – nên rất cần được phân bổ nguồn vốn giá rẻ từ các tổ chức quốc tế, như nguồn thu bán tín chỉ các-bon hoặc chương trình 1 triệu hecta lúa, để triển khai cho vay xanh hiệu quả và đúng định hướng.
Trao đổi tại Hội thảo, ông Vương Thành Long - Phó Trưởng khối Kinh doanh vốn và tiền tệ, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng các doanh nghiệp, đặc biệt các DN SME, hiện gặp một số rào cản lớn trong quá trình chuyển đổi xanh. Trong đó có chi phí đầu tư ban đầu cao vì khả năng tiếp cận nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi vẫn còn hạn chế.
Trong bối cảnh đó, ông Vương Thành Long cho rằng tài chính xanh cần được thiết kế với định hướng là một công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính để từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh ESG ngày càng được cải thiện. Trong đó, Ngân hàng giữ vai trò trung tâm trong hệ sinh thái tài chính xanh – không chỉ là nhà cung cấp vốn trực tiếp, mà còn là đơn vị định hướng, dẫn dắt, kết nối đối tác và thúc đẩy hành trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.