Sau sầu riêng, Lào vừa xuất khẩu thêm một mặt hàng sang Trung Quốc: Sẽ cạnh tranh với Nga, Việt Nam, công suất 500.000 tấn mỗi năm

Đây là lần đầu tiên Lào xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc.

Vào đầu tháng 4, Lào đã xuất khẩu thành công lô cá tra nước ngọt nuôi đầu tiên sang Trung Quốc, đánh dấu một cột mốc lịch sử cho ngành thủy sản của nước này. Lô hàng đã thông quan tại Cảng Shekou ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông vào ngày 31/3 và hiện đã đến tay người tiêu dùng Trung Quốc, truyền thông nhà nước đưa tin.

Cá được nuôi và chế biến tại Khu công nghiệp cá tra sông Mekong ở huyện Khong, tỉnh Champasack. Với diện tích 2.863 ha, khu công nghiệp này là cơ sở đầu tiên và lớn nhất cùng loại tại Lào. Khu công nghiệp chính thức đi vào hoạt động vào năm 2024 và dự kiến sẽ sản xuất 20.000 tấn cá tra mỗi năm, với công suất chế biến là 12.000 tấn—giá trị sản lượng khoảng 330 triệu CNY (hơn 44 triệu USD).

Khi đi vào hoạt động hoàn toàn, cơ sở này đặt mục tiêu chế biến hơn 500.000 tấn cá tra mỗi năm. Điều này không chỉ giúp thiết lập một ngành xuất khẩu lớn cho Lào mà còn góp phần vào nguồn cung cấp cá ổn định cho thị trường Trung Quốc.

Vào tháng 12/2024, chính phủ Lào và Trung Quốc đã ký thỏa thuận về yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc.

Về thị trường cá tra Trung Quốc, Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng (chủ yếu là cá tra) lớn thứ hai cho Trung Quốc, sau Nga với 11% tỷ trọng trong tổng nhập khẩu cá thịt trắng của Trung Quốc trong 20 năm qua. Trung Quốc cũng chính là thị trường cá tra lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 580 triệu USD trong năm 2024, tăng nhẹ 1,3% so với năm 2023

Trước đó, Chính quyền tỉnh Attapeu (Lào) đã cấp phép cho 3 công ty Lào để trồng sầu riêng trên hàng trăm ha, phù hợp với chiến lược của Chính phủ nhằm tăng cường sản xuất trái cây thương mại. Các thỏa thuận được ký kết vào ngày 7/4 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh, có sự chứng kiến của Phó Thống đốc Tanouxay Banxalith. Bước tiến này cũng phù hợp với mục tiêu của Lào là trở thành nhà cung cấp sầu riêng cho Trung Quốc, nơi nhu cầu đang tăng cao.

Mỗi công ty được nhượng quyền 30 năm cho 100 ha, chủ yếu để trồng sầu riêng, trong khi vẫn bảo tồn các khu vực rừng. Tổng cộng, hơn 273 ha được chỉ định để trồng sầu riêng. Sau khi thỏa thuận, các công ty phải nộp đơn xin giấy phép đầu tư và tuân thủ các yêu cầu của pháp luật, bao gồm cả nghĩa vụ thuế.

Như vậy trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ đón thêm một nhà cung cấp sầu riêng tiềm năng là Lào. Tuy nhiên diện tích trồng của Lào vẫn còn khá khiêm tốn so với các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia. Cụ thể, tính đến năm 2024, diện tích sầu riêng của nước ta đạt hơn 150.000 ha, sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn. Theo tờ Bangkokpost, diện tích trồng sầu riêng tại Thái Lan đạt hơn 163.000 ha với sản lượng 1,53 triệu tấn/năm trong năm 2024. Diện tích trồng sầu riêng của Indonesia không được công bố nhưng sản lượng của quốc gia này ước đặt khoảng 1,8 triệu tấn.